Xã hội
Lâm Đồng: Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
11:04 AM 16/10/2020
(LĐXH)- Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chỉnh phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương, Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nhất là giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu chung giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tại các địa bàn nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Qua đó, phấn đấu đến cuối năm 2020 giảm tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 1,9%, riêng đồng bào dân tộc dưới 3,38%.
Mô hình trồng cà phê giúp hộ nghèo ở huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng thoát nghèo bền vững

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu trên Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành hàng loạt văn bản, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các Sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và các địa phương cụ thể hoá các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh có hiệu quả.

Tập trung nguồn lực để thoát nghèo bền vững

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 – 2019, cùng với các chính sách đầu tư của Trung ương, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ưu tiên và đầu tư từ nhiều chương trình, dự án tại các xã nghèo, huyện nghèo, như kiên cố hóa trường học, kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn tại các xã, thôn đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Cơ sở hạ tầng các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo được cải thiện rõ nét, góp phần nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, làm nhà ở cho hộ nghèo, cung cấp vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, các chương trình, dự án về khuyến nông, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội, đã được triển khai đồng bộ và đã tác động trực tiếp đến tăng thu nhập, nâng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo, đồng bào dân tộc.

Ngoài nguồn ngân sách Trung ương và Tỉnh đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thì các địa phương còn ưu tiên đầu tư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tập trung, không giàn trải để nhằm tạo hiệu quả nội lực căn bản cho hộ nghèo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, phong trào thi đua sản xuất làm giàu trong nhân dân ngày càng hiệu quả, nhiều hộ nghèo đã tự lực tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ thoát nghèo. Hiệu quả từ các chương trình đầu tư trực tiếp và gián tiếp cho các hộ dân đã tác động tích cực đến đời sống tư tưởng của nhân dân và được nhân dân tích cực hưởng ứng. Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của tỉnh cũng đã tích cực triển khai chương trình giảm nghèo đến đoàn viên, hội viên của mình, tạo ra phong trào hỗ trợ, giúp nhau trong sản xuất, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bề vững.

Huyện Đam Rông được Chính phủ và địa phương đầu tư nhiều chương kinh tế giúp hộ nghèo, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo hiệu quả

Với những nỗ lực đó, kết quả giảm nghèo trong giai đoạn  2016 – 2019, cụ thể như:  Đầu năm 2016, toàn tỉnh có 20.094 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,67% (trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 12.487 hộ, chiếm tỷ lệ 19,11%; hộ cận nghèo 16.461 hộ, chiếm tỷ lệ 5,37%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 7.659 hộ, chiếm tỷ lệ 11,09%) thì đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 6.325 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,85% (trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 4.109 hộ, chiếm tỷ lệ 5,58%; hộ cận nghèo còn 13.947 hộ, chiếm tỷ lệ 4,39%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 7.437 hộ, chiếm tỷ lệ 10,52%).

Trong giai đoạn 2016-2019, cả tỉnh giảm được 13.769 hộ nghèo so với đầu năm 2016, bằng 68,52% số hộ nghèo vào đầu năm 2016 (gọi là tốc độ hay mức giảm nghèo 4 năm 2016-2019); bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,20%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,38%. Các địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao trong 4 năm qua là  huyện Cát Tiên, Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và Đạ Tẻh. Kết quả giảm nghèo trong năm 2019 bền vững hơn so với năm 2016. Trong năm 2019, cả tỉnh có 3.228 hộ thoát nghèo, đồng thời có 476 hộ phát sinh nghèo và 28 hộ tái nghèo, nghĩa là khoảng 06 hộ thoát nghèo thì 01 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Hộ nghèo của tỉnh tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc thiểu số (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,81 % số hộ dân cư, nhưng chiếm 64,96% hộ nghèo của tỉnh), các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Và không để ai bị bỏ lại phía sau

Mô hình trồng trọt, chăn nuôi ở Đam Rông góp phần thoát nghèo bền vững được địa phương nhân rộng

Ông  Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị của Tỉnh cùng vào cuộc để chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.  Chỉ tính riêng, trong 4 năm qua ( 2016 – 2019), Tỉnh đã vận dụng nhiều cơ chế, chính sách để hộ trợ người nghèo trên địa bàn vươn lên thoát nghèo và ổn định cuốc sống. Điểm nổi bật trong 4 năm qua là tỉnh đã hỗ trợ vốn vay cho người nghèo phát triển kinh tế, sản xuất với doanh số cho vay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt là 23.205 lượt/686.640 triệu đồng, hộ cận nghèo 36.466 lượt/1.052.612 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 26.248 lượt/1.004.126 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ vốn vay làm nhà ở theo đề án 654/UBND-XD cho 720 lượt/18.000 triệu đồng, cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất đối với người đồng bào dân tộc thiểu số 466 lượt/19.675 triệu đồng. Toàn tỉnh cấp 889.807 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, người đang sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người đồng  bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình. Ngoài ra, từ năm 2016-2019, thực hiện Đề án 654 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.362 căn nhà ở cho hộ nghèo. Đồng thời trợ giúp pháp lý cho 1.276 người thuộc hộ nghèo, 3.859 người dân tộc thiểu số, 1.057 người vừa thuộc hộ nghèo vừa là người dân tộc thiểu số, 486 người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Riêng Chương trình 30a và Chương trình 135 tại huyện Đam Rông, tổng nguồn vốn đầu tư là  308.898 triệu đồng, trong đó Chương trình 30a triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đam Rông từ 2016 đến nay là 143.791 triệu đồng. Cụ thể: Tổng kinh phí ngân sách Trung ương đã bố trí để thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững thực hiện Chương trình 30a là 185.691 triệu đồng. Nguồn hỗ trợ từ các đơn vị nhận giúp đỡ huyện là 23.500 triệu đồng, trong đó Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 20.500 triệu đồng, Bộ Tư lệnh quân Khu 7 hỗ trợ 3.000 triệu đồng. Từ nguồn vốn được hỗ trợ nêu trên, Tỉnh đã triển khai các tiểu dự án tại huyện Đam Rông, như: đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; phát triển sản xuất, truyền thông về giảm nghèo và nâng cao năng lực, giám sát đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo…

Về chương trình 135, tổng kinh phí thực hiện 165.107 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, trong đó vốn đầu tư phát triển 121.415 triệu đồng, vốn sự nghiệp 43.692 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã đầu tư xây dựng khoảng 556 công trình, duy tu bảo dưỡng 50 công trình hạ tầng; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho khoảng 8.000 hộ, nội dung hỗ trợ chủ yếu vật tư phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, máy móc nông cụ sản xuất, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đồng thời, nâng cao năng lực cho trên 1.600 lượt cán bộ cơ sở và cộng đồng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho trên 2.000 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp huyện, cấp xã và trưởng thôn của các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, qua đó giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở cơ sở có thêm kiến thức và kỹ tăng tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo.

Nhiều công trình được đầu tư ở huyện Đam Rông theo Nghị quyết 30a của Chính phủ góp phần đưa huyện Đam Rông thoát nghèo hiệu quả trong thời gian qua

Ngoài ra, Tỉnh còn phối hợp với cơ quan báo đài của Trung ương và địa phương để phổ biến các chính sách của nhà nước về CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, chính sách đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo, giới thiệu gương điển hình và mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn. Biên soạn và in 15.000 cuốn “cẩm nang dành cho hộ nghèo” bằng tiếng Việt, tiếng K’Ho và tiếng H’Mông, trên 3.000 tờ rơi, áp phích, băng rôn tuyên truyền áp phích về công tác giảm nghèo, gần 100 video clip tuyên truyền, tổ chức 21 cuộc đối thoại chính sách với hộ nghèo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng thông tin truyền thông giảm nghèo cho gần 2000  lượt cán bộ xã, thôn; thực hiện đầu tư, lắp đặt trang thiết bị tác nghiệp cho 06 xã khu vực III (của huyện Bảo Lâm, Đức Trọng, Lạc Dương, Đam Rông), 16 xã thuộc khu vực II (của các huyện Lâm Hà, Cát Tiên, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông) và đầu tư hệ thống Thông tin tuyên truyền cấp huyện tại Đam Rông. Qua đó đã góp phần  đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững, được các địa phương quan tâm và thực hiện tốt, đã truyền tải chính sách, chương trình giảm nghèo đến cộng đồng và người dân, khuyến khích, động viên người nghèo, người cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo tại Lâm Đồng vẫn còn nhiều khó hăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, như:  Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của các Bộ, ngành Trung ương còn chậm, gây lúng túng cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo còn hạn chế trong đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Vì vậy, để thực hiện đạt hiệu quả mục tiêu Chương trinh Quốc gia về giảm ghèo bền vững trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm để phấn đấu giảm nghèo bền vững:  Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Đồng thời tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp nhằm giúp bà con thoát nghèo bền vững. Cụ thể như: hỗ trợ hộ vừa thoát nghèo, hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua ưu tiên dạy nghề, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước, hỗ trợ đất sản xuất, cho vốn vay ưu đãi,… Lồng ghép các Chương trình  như: Chương trình xây dựng nông thôn mới với Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135 giai đoạn III. Đặc biệt, không huy động đóng góp của gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mà đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo bền vững; thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.        

                      Hoàng Cảnh