Xã hội
Lâm Đồng: Đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc người khuyết tật
02:12 PM 05/11/2019
(LĐXH) - Nhằm đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc cho người khuyết tật (NKT), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn liên quan. Qua đó, đại bộ phận NKT trên địa bàn tỉnh lâm Đồng đã tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản như: Học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng,…
Trong những năm qua tỉnh Lâm Đồng luôn có nhiều chỉnh sách hỗ trợ, chăm sóc người khuyết tật trên địa bàn

        Nhiều hoạt động chăm sóc người khuyết tật

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng,  hiện trên địa bàn tỉnh toàn tỉnh có hơn 84.000 NKT. Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH); Nghị quyết số 74/NQ về phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao công tác chăm sóc NKT trên địa. Đồng thời, triển khai tập huấn cho đội ngũ cán bộ 12 Phòng LĐTBXH huyện, thành phố và chuyên trách cấp xã, triển khai đến thôn, buôn, khu phố. Sau khi triển khai thực hiện, số đối tượng được điều chỉnh, kinh phí tăng thêm, các địa phương đã tiến hành thực hiện việc truy lĩnh tiền trợ cấp xã hội cho đối tượng từ ngày 01/01/2015. Đến nay,  đã tiến hành xác định mức độ khuyết tật cho 24.300 người và cấp 22.700 giấy chứng nhận khuyết tật. Trong đó, có 2.895 NKT đặc biệt nặng và 10.709 NKT nặng đang hưởng trợ cấp BTXH hàng tháng và 9.096 NKT nhẹ.

          Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng, tính đến nay toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội(TCXH) hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 13.658 NKT nặng và đặc biệt nặng và 2.672 hộ gia đình nhận chăm sóc NKT đặc biệt nặng. Kinh phí chi TCXH hàng tháng, cấp thẻ BHYT và hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng NKT và hộ gia đình nuôi dưỡng NKT đặc biệt nặng xấp xỉ 120 tỷ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán 2017, đã có 12.536 NKT nặng và đặc biệt nặng được hỗ trợ tiền tết với mức 250.000/người.

       Được biết, hiện các cơ sở BTXH trong tỉnh Lâm Đồng đang chăm sóc, nuôi dưỡng 714 NKT (trong đó 328 người bị bệnh thần kinh và tâm thần; 45 người mù; 294 trẻ em khuyết tật và  khuyết tật vận động là 47 người). Ngoài các hoạt động trên, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, đoàn thể quần chúng phối kết hợp, kêu gọi, vận động các tổ chức xã hội từ thiện, cá nhân hảo tâm tích cực tham gia, trợ giúp NKT.  Cụ thể, từ 2014 – đầu năm 2018 đã phối hợp tổ chức cấp 1.700 xe lăn, xe lắc, 450 chân tay giả và tiếp nhận tài trợ 370 máy trợ thính.  Được biết, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 04 cơ sở giáo dục chuyên biệt, 10 cơ sở bảo trợ xã  hội (BTXH) và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Các cơ sở giáo dục trên đây đã giúp cho khoảng 915 em/1.780 trẻ em khuyết tật ở độ tuổi đi học đến trường. Bên cạnh đó, trong thời gian qua UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định phân bổ hơn 3,2 tỷ đồng cho Sở Giáo dục và Đào tạo và 07 địa phương để thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật.

Người khuyết tật được chăm sóc, hộ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần

Quan tâm việc dạy nghề và tạo việc làm cho NKT

        Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây, hệ thống dạy nghề trên địa  bàn tỉnh đã được đổi mới mạnh mẽ, chuyển hướng từ đào tạo theo cung sang đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở dạy nghề cho NKT cũng đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đa dạng về hình thức và loại hình đào tạo. Qua đó, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NKT tiếp cận những chính sách về học nghề và tìm kiếm việc làm ổn định đời sống. Hiện tỉnh Lâm Đồng có 53 cơ sở dạy nghề, trong đó công lập 20, ngoài công lập 33, 02 trường Cao đẳng nghề, 02 trường trung cấp nghề, 17 trung tâm dạy nghề và 32 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Những học viên là NKT sau khi được đào tạo nghề đã được nhiều doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng về làm việc. Cụ thể,  cơ sở Nắng Mai tại TP. Đà Lạt đã sử dụng trên 20 lao động là NKT, Hợp tác xã đan len Hữu Hoà sử dụng trên 25 lao động NKT, Hợp tác xã đan len Nhân Ái sử dụng 18 lao động khuyết tật, cơ sở dạy nghề và tự tạo việc làm Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng có trên 30 học viên là NKT; cơ sở Mây tre lá Hoàng Nhĩ Đan - huyện Đạ Tẻh truyền nghề và tạo việc làm cho hơn 50 NKT, Cơ sở Tranh Bướm Ánh Kim TP. Bảo Lộc sử dụng 10 lao động là NKT,… Bên cạnh đó, Hội NKT thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đạ Tẻh đã tích cực tuyên truyền, vận động và phối hợp với các trường nghề tổ chức dạy nghề, truyền nghề và tạo việc làm cho nhiều NKT. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 1.580 NKT đã được đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm. Kết quả có 1.325 NKT có việc làm ổn định (đạt 83,86% trên số lượng được đào tạo).

Nhằm hướng tới mục tiêu tạo giúp NKT ngày càng được chăm sóc tốt hơn, tỉnh Lâm Đồng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về quan tâm trợ giúp NKT. Cụ thể, nhằm giúp NKT tiếp cận dễ dàng các công trình công cộng, giao thông, trên địa bàn đã có 80% nhà chờ bến xe, bến tàu và 100% công trình cảng hàng không đảm bảo điều kiện tiếp cận cho NKT; 711 NKT được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí; 270 lượt NKT được giảm giá vé khi tham gia giao thông đường sắt; 2.100 lượt NKT được giảm giá vé khi tham gia giao thông đường hàng không. Tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc cho 90 hội viên là NKT sinh hoạt tại 9 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ của NKT. Xây dựng kế hoạch phát triển 15 môn thể thao dành cho NKT tập luyện, thi đấu trong các kỳ đại hội thể thao và tham gia giao lưu giữa các Hội NKT. Thành lập và hoạt động của Ban công tác NKT cấp tỉnh theo Quyết định số 1847/QĐ-UBND với 18 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Giám đốc Sở LĐTB-XH làm Phó Ban .

Sau khi thành lập, công tác phối hợp giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các ngành thành viên, đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính và Hội người khuyết tật tỉnh được triển khai đồng bộ hơn, các hoạt động được phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ; các hoạt động của Hội NKT đã có được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Các hoạt động tư vấn pháp luật và truyền thông về trợ giúp pháp lý cho NKT được kết hợp thực hiện thông qua các cuộc trợ giúp pháp lý lưu động hướng về cơ sở. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 3888/QĐ-BTP ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý cho NKT, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch số 11/2013/KH-TGPL ngày 25/4/2013 về việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho NKT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã thực hiện tư vấn pháp lý cho 275 NKT, cử trợ giúp viên pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho 47 NKT (chủ yếu ở dạng khuyết tật vận động). Nội dung tư vấn tập trung chủ yếu về chính sách BTXH, hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, Trung tâm trợ giúp pháp lý thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá chất lượng trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trong việc thưc hiện trợ giúp pháp lý cho NKT. Về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách người khuyết tật trong năm qua toàn tỉnh đã tổ chức 05 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách NKT theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của NKT tại 05 địa phương..  

Nhằm hướng tới mục tiêu các đối tượng NKT ngày càng được chăm sóc tốt hơn, thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Luật NKT, Công ước Liên hợp quốc về Quyền của NKT và các chính sách trợ giúp NKT, đặc biệt là các chính sách trợ cấp hàng tháng, BHYT, mai táng phí, trợ cấp đột xuất, dạy nghề và tạo việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi cho sản xuất kinh doanh.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, các sở ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những chính sách, pháp luật của nhà nước đối với NKT.  Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động của Ban Công tác về NKT tỉnh. Xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát và tổng hợp NKT tật thần kinh, tâm thần trên địa bàn tỉnh làm cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý đối tượng. Hướng dẫn các địa phương rà soát, cập nhật tăng giảm đối tượng, cập nhật số đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng kịp thời. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về NKT tật tại các địa phương. Đồng thời, kiến ghị Bộ, Ngành Trung ương xem xét, có cơ chế tạo điều kiện cho NKT tham gia giám sát các công trình công cộng, nhà chung cư đảm bảo điều kiện tiếp cận cho NKT. Trong quá trình thiết kế, xây dựng cần áp dụng hệ thống quy chuẩn quy định kỹ thuật đảm bảo cho NKT tiếp cận, sử dụng dễ dàng.

Trong thời gian tới, đề nghị  Bộ, ngành trình Chính phủ quy định, tạo điều kiện để người khuyết tật được đăng ký xe máy 03 bánh và cấp bằng lái xe; sửa đổi, bổ sung đối tượng là NKT nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội (quy định hiện nay chỉ tiếp nhận NKT đặc biệt nặng); bổ sung quy định công nhận người mù là đối tượng NKT nặng trở lên để làm cơ sở xét trợ cấp xã hội thường xuyên. Công nhận người NKT thần kinh, tâm thần (phân liệt và chứng động kinh) là NKT đặc biệt nặng để đối tượng được hưởng chế độ chăm sóc và tiếp nhận vào nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội.

 

 Thảo Nhi