Giáo dục - Nghề nghiệp
Lâm Đồng: Đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch thích ứng với đại dịch Covid 19
08:13 AM 30/11/2021
(LĐXH) Đại dịch Covid 19 đã khiến các doanh nghiệp du lịch tỉnh Lâm Đồng chồng chất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vừa mới gọi người lao động đi làm trở lại đã phải đau đầu tính toán lại lịch làm việc để giữa chân họ. Để giúp ngành Du lịch của tỉnh nhanh chóng phục hồi sau dịch, việc đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao thích nghi với đại dịch Covid 19 là rất quan trọng và cần thiết.
Lâm Đồng là tỉnh có ngành du lịch, dịch vụ phát triển với tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hoá phong phú và đặc sắc. Thủ phủ của Lâm Đồng là thành phố Đà Lạt nằm trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 18 – 25 độ C.
Tỉnh Lâm Đồng có 34 điểm tham quan du lịch được đầu tư và khai thác kinh doanh, hơn 60 điểm tham quan miễn phí phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí, tạo nên sự đa dạng, phong phú đối với các tour, tuyến du lịch. Có thể kế tới một số điểm du lịch tiêu biểu nơi đây như: Thác Cam Ly, Thác Đatanla, Thác Prenn, Thác Voi, Hồ Xuân Hương, Hồ Tuyền Lâm, Hồ Than Thở, Thung lũng Tình yêu, Làng Du lịch Rừng Mađagui, Khu Du lịch Sinh thái Núi Voi…Vườn Quốc gia Cát Tiên là nơi có một trong 8 khu vực đất ngập nước Ramsar của Việt Nam (Bàu Sấu), là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển của nước ta được UNESSCO công nhận…
Cùng với đó, là một vùng đất với 42 cộng đồng dân tộc sinh sống, Lâm Đồng có sự đa dạng màu sắc của văn hoá, di sản văn hoá của các dân tộc bản địa như K’HO, Mạ, Churu… được quan tâm, bảo tồn, tôn tạo và phát triển nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Với nhiều lợi thế được thiên nhiên ban tặng và sức sáng tạo của con người cùng văn hoá bản địa đặc sắc, Lâm Đồng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Những hoạt động du lịch ngày càng đa dạng, cao cấp cũng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản
Người dân bản địa, địa phương cùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của ngành du lịch nên đã chủ động xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch mới, đồng thời tích cực bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch, đưa du lịch Lâm Đồng trở thành điểm đến hấp dẫn và khẳng định du lịch là ngành kinh tế động lực của tỉnh.
Nguồn nhân lực du lịch là một trong những yếu tố quan trọng của ngành Du lịch Lâm Đồng. Việc đào tạo, phát huy vai trò của nguồn nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội trước, trong và sau giai đoạn đại dịch Covid 19 đang đứng trước những thách thức lớn cho cả các đơn vị đào tạo lẫn doanh nghiệp.
Hiện nay, tổng số nhân lực ngành Du lịch của tỉnh khoảng 13.000 người, đa phần còn trẻ, độ tuổi lao động từ 18 – 35 chiếm hơn 60%, trong đó lĩnh vực lưu trú 9.000 người; lữ hành, hướng dẫn và vận chuyển khách 1.550 người; điểm du lịch 2.420 người. Trong đó, 80% đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ.
Mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch từ bậc sơ cấp đến đại học hằng năm cung cấp hơn 600 cử nhân và khoảng 1.500 lao động trung cấp, sơ cấp, song, so với nhu cầu thực tế thì nhân lực phục vụ du lịch Lâm Đồng còn thiếu rất nhiều. Hơn nữa, số lao động đã được đào tạo tuy đã được trang bị khá tốt về kiến thức, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về khả năng thích ứng với môi trường làm việc, quản trị chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ. Nhiều nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng chưa được đào tạo qua các nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng, phục vụ bàn, chế biến món ăn… Một số hướng dẫn viên du lịch ở tỉnh vẫn chưa am hiểu nhiều về văn hoá, lịch sử của đất nước, con người Việt Nam và Lâm Đồng.
Hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi cần có nhiều kỹ năng, cả chuyên môn lẫn giao tiếp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách
Dù đã có nhiều cố gắng trong việc đào tạo nguồn nhân lực nhưng hiện nay tỉnh vẫn đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động lành nghề, có chuyên môn, kỹ thuật cao. Đặc biệt, việc đào tạo giám đốc, chức danh quản lý cao cấp chưa được chú trọng. Tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội còn nhiều bất cập. Thể hiện rõ nhất là biên chế công chức quản lý Nhà nước về du lịch còn hạn hẹp. Chính sách, cơ chế, văn bản qui phạm pháp luật về đào tạo nguồn nhân lực Du lịch chưa được bổ sung, hoàn thiện kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Đây là những vấn đề làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng.
Đại dịch Covid 19 bùng phát và kéo dài gần 2 năm qua đã khiến các doanh nghiệp và ngành Du lịch Lâm Đồng chồng chất khó khăn. Việc ít khách và tạm ngừng hoạt động du lịch đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch. Thống kê sơ bộ, có trên 4.000 lao động trực tiếp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có thông báo tạm ngưng hoạt động phải nghỉ việc không lương, hàng nghìn lao động khác bị giảm giờ làm và giảm lương. Điều này còn có thể dẫn đến những khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ lao động sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát và những hoạt động hậu Covid 19.
Theo Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, để đạt mục tiêu đến năm 2025 thu hút khách du lịch lưu trú bình quân 2,5 ngày trong mỗi chuyến du lịch, ngành Du lịch địa phương đang tập trung mọi nguồn lực phát triển mạnh mẽ hơn 6 loại hình du lịch chủ đạo có lợi thế cạnh tranh gắn liền với đặc trưng văn hoá, môi trường tự nhiên ở địa phương. Những mục tiêu cụ thể được tỉnh đặt ra là: Tăng tỷ trọng ngành Du lịch – dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đạt trên 37% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; số lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân từ 9 -10% vào năm 2025 và 8 – 9% năm 2030, trong đó khách quốc tế chiếm từ 12 – 20% trong tổng số khách du lịch; phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cao cấp đạt chuẩn 3 - 5 sao, với số phòng chiếm 25% tổng số phòng của hệ thống cơ sở lưu trú và trên 45% trong tổng số phòng của khách sạn đạt chuẩn có sao vào năm 2025; Thu hút 15 nghìn lao động trực tiếp tại các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ  với 85% lao động được đào tạo kỹ năng nghề du lịch từ sơ cấp trở lên đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ…
Để đạt được mục tiêu trên, các trường đại học, trung tâm đào tạo cần xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO để nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo phù hợp. Các trường đại học, trung tâm đào tạo nên chủ động giao cho giáo viên, hướng dẫn liên hệ để gửi sinh viên, học viên đến thực tập thực tế tại các doanh nghiệp, giảm lý thuyết, tăng thời lượng thực hành.
 Tăng cường đào tạo đại học, đào tạo quản lý và sau đại học về du lịch, dịch vụ, quan tâm tới đào tạo kỹ năng nghề du lịch. Phát triển các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đảm bảo chất lượng giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ công tác giảng dạy phù hợp, thích nghi với đại dịch Covid 19.
Thiết kế mô thức đầu ra của chương trình đào tạo du lịch đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp 4.0 thích nghi với dịch Covid 19. Xây dựng mới một số môn học hay module, giáo trình phù hợp với chuẩn đầu ra mang tính thích ứng linh hoạt cao.
Theo xu thế, hệ thống robot hay công nghệ sẽ thay con người làm các nghiệp vụ đòi hỏi đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải thích nghi tốt hơn. Nhiều vị trí việc làm mới như nghiên cứu, đào tạo sẽ thay thế những vị trí truyền thống mà hệ thống công nghệ đã đảm nhiệm, điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải thay đổi để có thể bắt kịp với xu thế số.
Những thay đổi trong hoạt động thực tiễn đòi hỏi ngành Du lịch Lâm Đồng phải đa dạng hoá loại hình đào tạo, hình thức, mã hoá dữ liệu phục vụ nguồn lao động mới mọi lúc, mọi nơi thay vì sinh viên, học viên phải lên giảng đường, thư viện đọc sách như những năm gần đây.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch cho quá trình hội nhập và phát triển, du lịch Lâm Đồng cần thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực ngành Du lịch để ngành Du lịch của tỉnh tăng tính thích nghi, phù hợp với yêu cầu về tiêu chuẩn nghề trong nước, khu vực và quốc tế./.
Thảo Lan