Giáo dục - Nghề nghiệp
Lai Châu: Đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn
11:04 AM 29/03/2023
(LĐXH) – UBND tỉnh Lai Châu mới ban hành kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2023, với mục tiêu đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng cho 7.450 lao động nông thôn, trong đó: Nghề nông nghiệp: 4.815 chỉ tiêu; Nghề phi nông nghiệp: 2.635 chỉ tiêu.
Đối tượng là lao động nông thôn tham gia học các chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên: Người khuyết tật; đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ mất việc làm; người chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện trở về cộng đồng. Người học sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định của tỉnh; hỗ trợ tiền ăn, đi lại.
Lao động nông thôn học nghề sửa chữa máy nông nghiệp
Điều kiện để người học được hỗ trợ đào tạo: Trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15-55 tuổi; nam từ đủ 15-60 tuổi), có nhu cầu học nghề, có trình độ học vấn; trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 tuổi; những người không biết đọc, viết có thể tham gia học những nghề phù hợp thông qua hình thức kèm cặp, truyền nghề và phải đủ sức khoẻ phù hợp với ngành nghề cần học; Người lao động có hộ khẩu thường trú tại xã, người lao động có hộ khẩu thường trú tại phường, thị trấn đang trực tiếp làm nông nghiệp hoặc thuộc hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi; Đối với người khuyết tật: có giấy xác nhận khuyết tật hoặc sổ lĩnh trợ cấp hàng tháng…
Để đảm bảo thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, UBND tỉnh Lai Châu đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đối với Sở Lao động - TBXH, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo cơ cấu ngành nghề, chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề; xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Kiểm tra các điều kiện tổ chức đào tạo theo quy định; thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện về năng lực đào tạo; phối hợp với UBND cấp xã tăng cường công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm đối với lao động nông thôn; rà soát, định hướng nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động, đặc biệt là người khuyết tật, người chấp hành xong án phạt tù trở về cộng đồng, người sau cai nghiện trở về cộng đồng. Tổ chức kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng công tác đào tạo.
UBND cấp xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đến người lao động nông thôn trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn; kế hoạch kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề. Thống kê nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đào tạo nghề. Hỗ trợ người lao động tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm sau đào tạo. Theo dõi, tổng hợp số người có việc làm, số hộ thoát nghèo, số hộ trở thành hộ khá, số người chuyển sang ngành, nghề công nghiệp, dịch vụ sau khi học nghề.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo cần tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo chương trình đào tạo đã được phê duyệt; kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp chứng chỉ; thực hiện công tác giáo vụ, chế độ báo cáo theo quy định. Quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo; chi trả đầy đủ kinh phí hỗ trợ cho người học; thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Phối hợp với UBND cấp xã theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn sau học nghề.
Với các nhiệm vụ và giải pháp đặt ra, tỉnh Lai Châu hướng đến đổi mới và phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tại địa phương; Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ 55,97% năm 2022 lên 58,28% vào cuối năm 2023; trên 80% số người học sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn./.
Minh Hưng