Giáo dục - Nghề nghiệp
Ký thỏa thuận hỗ trợ Dự án đổi mới giáo dục phổ thông tại Lào Cai và Hưng Yên
11:11 AM 28/02/2019
(LĐXH) Vừa qua, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) tổ chức Lễ ký Thỏa thuận hỗ trợ Dự án ´Thúc đẩy Quản trị nhà trường hướng tới người học´ của Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai và Dự án ¨Dạy học STEM Hướng tới phát triển năng lực học sinh tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên¨ của Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên với tổng mức tài trợ lên tới 2 tỷ đồng.
Đây là hai Dự án được Hội đồng Xét duyệt Quỹ đánh giá và lựa chọn từ hơn 100 đề xuất sáng kiến của 28 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi về Quỹ năm 2018 dựa trên các tiêu chí chính:
- Dự án có những đổi mới trong giáo dục phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước, cũng như phù hợp với các xu hướng quốc tế;
- Giải quyết được các vấn đề, thực trạng cần cải thiện trong giáo dục, có những sáng kiến mới và phạm vi triển khai Dự án là tại các cơ sở Giáo dục, tức là Dự án có trải nghiệm cụ thể từ chính giáo viên và học sinh;
- Có khả năng bền vững và tính nhân rộng (Vận động được sự tham gia của các bên liên quan, thể hiện được khả năng huy động nguồn lực sau khi kết thúc dự án);
- Đưa ra được các tiêu chí và khung hoạt động cụ thể, cấu trúc báo cáo tuân theo Mẫu của Quỹ;
- Ngân sách nằm trong phạm vi hỗ trợ của Quỹ (tối đa 2.000.000.000đ), phù hợp với quy chế chi tiêu của Quỹ, và ưu tiên các đề xuất có nguồn ngân sách đối ứng;
- 100% các thành viên trong Hội đồng Xét duyệt đồng ý tài trợ.
Các đối tác tại Lễ ký kết thỏa thuận hỗ trợ Dự án  đổi mới giáo dục phổ thông 
tại Lào Cai và Hưng Yên. 
Khai mạc Lễ Ký Thỏa Thuận, ông Nguyễn Vinh Hiển- chủ tịch Quỹ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) phát biểu: ¨Việc hỗ trợ Dự án cho các tỉnh chỉ là hoạt động khởi đầu. Quỹ sẽ còn tiếp tục làm việc chặt chẽ với địa phương để tìm kiếm các sáng kiến về đổi mới giáo dục, cũng như huy động nguồn lực để triển khai hoặc nhân rộng sáng kiến đó. Ngoài các tiêu chí rất rõ ràng trong quá trình xét duyệt Hỗ trợ Dự án, chúng tôi lựa chọn hai tỉnh Lào Cai và Hưng Yên vì những địa phương này có lãnh đạo là những người tâm huyết và thực sự đổi mới. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hỗ trợ của Quỹ sẽ tạo tiền đề và mở ra nhiều cơ hội mới trong việc hợp tác đổi mới giáo dục giữa Quỹ và địa phương trên cả nước ¨
Ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ (Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD& ĐT) chia sẻ: ´Tuy đã có những đề xuất và khung hoạt động cụ thể, Quỹ sẽ đồng hành cùng hai tỉnh trong quá trình thực hiện Dự án để hỗ trợ chuyên môn, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kịp thời các hoạt động sao cho phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của địa phương, cũng như để rút kinh nghiệm cho việc triển khai các dự án về sau. Bản thân tôi đánh giá rất cao sự tham gia của hai tỉnh, vì nguồn tài trợ này không phải là lớn trong đổi mới giáo dục nhưng các tỉnh đã đưa ra được các đề xuất rất thiết thực, và thâm chí huy động được nguồn vốn đối ứng để thực hiện Dự án. Điều đó cho thấy mong muốn và quyết tâm đổi mới của các tỉnh´
Cũng tại lễ ký thỏa thuận, ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên chia sẻ: ´Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ thức thời của Quỹ. STEM hay STEAM là xu hướng mới của Giáo dục, giúp thể hệ trẻ Việt Nam chuẩn bị các năng lực cần thiết hội nhập trong thời đại 4.0. Tỉnh Hưng Yên rất chú trọng vào triển khai các hoạt động STEM/STEAM. Tỉnh cũng đã có những thầy cô giáo nhận được giải thưởng STEM quốc tế. Và đây sẽ là những nguồn lực chính để triển khai Dự án này´
Ông Nguyễn Anh Ninh – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai chia sẻ: ´Lào Cai luôn đặt đổi mới giáo dục là trọng tâm của tỉnh. Và đổi mới giáo dục bắt nguồn từ sự tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng. Năm nào tỉnh cũng tổ chức Hội nghị hiệu trưởng với trọng tâm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức đội ngũ này với tôn chỉ: Làm thực chất chứ không theo hình thức. Lào Cai đang phát triển một số mô hình nhà trường cụ thể với điều kiện của tỉnh như: trường học du lịch (tại Sapa là điểm đến du lịch nổi tiếng),  trường học đa văn hóa (giúp giao lưu văn hóa, gắn bó đoàn kết các dân tộc Việt Nam , trường học nông trại (ứng dụng công nghệ, kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt). Sở sẽ vận dụng những giá trị đó Trong quá trình triển khai Dự án về Thúc đẩy quản trị nhà trường hướng vào người học´
Cũng trong Lễ ký kết, đại diện Quỹ trao đổi với lãnh đạo các Sở GD&ĐT về thành lập các văn phòng đại diện của Quỹ tại địa phương. Việc mở các văn phòng đại diện Quỹ tạo ra những điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực địa phương trong các hoạt động đổi mới giáo dục, cũng như hỗ trợ cho việc triển khai, giám sát các Dự án của Quỹ sau này.

Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF) là Quỹ xã hội, không vì lợi nhuận, hoạt động trên toàn quốc theo nguyên tắc độc lập, xã hội hóa và minh bạch giải trình. Quỹ được thành lập theo quyết định của Bộ Nội Vụ nhằm hỗ trợ hoạt động đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục, Quỹ VIGEF hướng tới việc tạo ra một cộng đồng giáo dục phát triển bền vững, nhân rộng các sáng kiến, mô hình thành công thông qua phát triển mối quan hệ đối tác và tối đa hóa nguồn lực giữa các cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để nâng cao năng lực dạy và học ở các trường phổ thông.

Thảo Lan