Giáo dục - Nghề nghiệp
Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 - Tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao
11:39 AM 07/12/2021
(LĐXH) – Ngày 6/12/2021, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 lần đầu tiên được Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức thi theo hình thức thi trực tuyến tại Hội Đồng thi Quốc gia (HĐT QG) số 1, Trường Đại học SPKT Vĩnh Long (VLUTE).
PGS.TS Cao Hùng Phi phát biểu khai mạc kỳ thi tại điểm cầu VLUTE

Tham dự Lễ khai mạc theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu chính VLUTE có bà Nguyễn Thị Quyên Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; PGS. TS Cao Hùng Phi – Hiệu trưởng VLUTE, CT HĐT QG số 1; Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà – Phó Giám đốc  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy viên thường trực HĐT QG số 1.

Tại điểm cầu Hà Nội có ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN); Bà Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Trưởng Ban Tổ chức kỳ thi; Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Phó Trưởng Ban Tổ chức kỳ thi;

Tại điểm cầu Quảng Ninh có Ông Lê Quang Dũng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tha khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch HTĐ QG số 5; Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam, Phó chủ tịch HTĐ quốc gia số 5; Ông Vũ Quang Trực – Phó GĐ Sở LĐTBXH, Phó CT HTĐ QG số 5. Cùng toàn thể các HĐT QG, các đoàn tham dự, các thành viên BTC, Ban và tiểu ban, lãnh đạo các Bộ ngành TW và địa phương, công ty doanh nghiệp và thí sinh dự thi 35 nghề.

Phát biểu khai mạc Kỳ thi, PGS. TS Cao Hùng Phi nhấn mạnh: Tiếp nối thành công của những kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia những năm qua và để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch COVID-19, Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 tổ chức thi 14 nghề, trong đó 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long trong điều kiện đặc biệt, chưa có tiền lệ từ trước đến nay, kể cả ở cấp độ của kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới, kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN và cấp độ quốc gia – Đó là kỳ thi được diễn ra trong bối cảnh cả Thế giới đang bị ảnh hưởng vì đại dịch Covid 19 bùng phát. Cuộc thi được tổ chức với mục tiêu tạo sân chơi đỉnh cao trí tuệ cho sinh viên, và người lao động. Là hoạt động nhằm nâng tầm kỹ năng cho lao động Việt Nam vươn tầm thế giới, giúp các em tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại của Thế giới.

PSG.TS Cao Hùng Phi cũng cho biết, trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐ-TB và XH, Bộ GD-ĐT và các cấp chính quyền địa phương, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã có những bước phát triển nhảy vọt, trở thành trường đại học trọng điểm của Bộ LĐ-TB và XH ở khu vực phía Nam, từng bước vươn mình trở thành Trường duy nhất và dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long về đào tạo đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, cán bộ, kỹ sư kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đất nước. Đặc biệt, ưu thế lớn nhất và mạnh nhất của Nhà trường là Kỹ năng nghề - Kỹ năng thực hành, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất của xã hội.

Với bề dày thành tích rất đáng tự hào của Nhà trường trong các Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia gần đây, nhất là trong các năm 2018, 2020, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long luôn tự hào nằm trong Top 5 Đoàn dẫn đầu cuộc thi.

Hiện tại trường đại học SPKT Vĩnh long đã trang bị hệ thống Siêu máy tính, cơ sở hạ tầng mạng hiện đại. Hơn nữa, đội ngũ CNTT của Nhà trường được đào tạo từ các nước phát triển nên rất chuyên nghiệp trong quản trị CNTT và nhiều kinh nghiệm triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Điều này khẳng định, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là địa chỉ tin cậy để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các Trường tin tưởng, giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN tặng hoa chúc mừng BTC tại điểm cầu Hà Nội

Kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 năm 2021 với quy mô 50 đoàn, 508 thí sinh tham gia trên tổng số 35 nghề. Theo chỉ đạo của HĐT Quốc gia, để đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện phòng chống dịch Covid-19, kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 12 tổ chức thi trước 14 nghề, trong đó 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chủ trì) và 11 nghề thi theo hình thức trực tuyến (do trường đại học SPKT Vĩnh Long chủ trì) gồm: Công nghệ web, giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, robot di động, thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD, công nghiệp 4.0, lắp cáp mạng thông tin, quản trị hệ thống mạng công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa, điện toán đám mây, phát triển ứng dụng di động, thiết kế thời trang kỹ thuật số.

Các nghề thi theo hình thức trực tuyến sẽ được số hoá và quản lý bởi phần mềm Vnskills do Trường ĐH SPKT Vĩnh Long xây dựng, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn (big data) và các công nghệ hiện đại khác để kết nối các máy tính thí sinh vào hệ thống quản lý thi của ban tổ chức và hội dồng thi đảm bảo đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh và bảo mật dữ liệu thông qua mạng internet. Lần đầu tiên siêu máy tính cùng công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn, các máy ảo cấp cho các thí sinh được sử dụng tại một kỳ thi kỹ năng nghề với tốc độ xử lý rất nhanh, dung lượng lưu trữ lớn, đường truyền băng thông rộng, để thí sinh có thể kết nối làm bài thông suốt với một khoảng thời gian dài cả ngày. Nhờ đó, các thí sinh dự thi có thể làm bài tại nhiều điểm khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự đồng bộ về mặt trang thiết bị và cấu hình máy tính như nhau. Kỳ thi được số hoá bởi phần mềm quản lý, sử dụng các công cụ giám sát hiện đại nhằm cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời theo thời gian thực cho công tác theo dõi giám sát, đánh giá, chấm điểm trong quá trình làm bài của thí sinh đảm bảo tính khách quan, trung thực và minh bạch của kỳ thi– những giải pháp này chỉ có công nghệ điện toán đám mây và xử lý dữ liệu lớn mới đảm bảo được.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Kỳ thi, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch bệnh, Tổ chức thi kỹ năng nghề thế giới khuyến khích đổi mới sáng tạo trong công tác tổ chức thi kỹ năng nghề; tăng cường tổ chức thi theo hình thức thi trực tuyến, đồng thời đẩy mạnh chuyển đối số vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề. Kỳ thi trực tuyến Châu Á-Thái Bình Dương nghề cơ điện tử đã được tổ chức vào tháng 4/2021; kết quả Đoàn Việt Nam đã giành huy chương vàng và xếp thứ nhất trong số 6 quốc gia dự thi. Tháng 11 vừa qua, Tổ chức thi kỹ năng nghề thế giới cũng đã tổ chức trực tuyến Kỳ thi thách thức Kỹ năng, Việt Nam đã cư thí sinh tham dự Kỳ thi này và đã đạt được kết quả đáng kích lệ.

PGS.TS Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng VLUTE, CT HĐT QG số 1 chụp ảnh lưu niệm tại lễ khai mạc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và các đại biểu

TS. Trương Anh Dũng cũng cho biết, trong tháng 11 vừa qua, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo Tổng cục GDNN lần đầu tiên tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo hình thức trực tuyến. Kỳ thi lần thứ 12 năm 2021 là Kỳ thi đầu tiên Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh rất ít quốc gia có thể tổ chức được. Đây thực sự là một kỳ thi của công nghệ và công nghệ cao chưa có tiền lệ, là lần đầu tiên được tổ chức chính thức ở cấp quốc gia kể cả trong nước và trên thế giới. Trong không khí hào hứng đó của ngày hội khai mạc Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 hôm nay, trước bối cảnh đại dịch Covid 19 vẫn chưa lắng xuống, còn phức tạp, chúng ta chứng kiến việc Ban tổ chức đã hết sức nỗ lực cùng các đoàn dự thi, các thí sinh, các chuyên gia kỹ thuật tổ chức kỳ thi với 11 nghề theo hình thức trực tuyến có ứng dụng các công nghệ mới trong kỷ nguyên số như điện toán đám mây, siêu máy tính, dự liệu lớn, đường truyền băng thông rộng và 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp theo truyền thống như trước đây với sự tham gia của gần 180 thí sinh của 25 đoàn dự thi là hết sức quan trọng. Với chủ trương đề thi của mỗi nghề phải tiếp cận với trình độ, tiêu chuẩn của kỳ thi KNN ASEAN, thế giới tại kỳ thi này sẽ là bàn đạp thúc đẩy quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong thời kỳ CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Để Kỳ thi được tổ chức an toàn, thành công, đảm bảo chất lượng và đạt được mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tổng cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng yêu cầu Ban Tổ chức Kỳ thi cần xác định việc tổ chức thành công kỳ thi chính là việc tạo tiền đề và làm bàn đạp cho việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, cho học sinh, sinh viên. Là nhân tố quan trọng tạo cú huých trong thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia theo quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, theo đó thực hiện mục tiêu đến 2030 là Chính phủ số, xã hội số, doanh nghiệp số, công dân số… do đó phải thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo các Hội đồng thi quốc gia, các trường đăng cai huy động nhân sự, bố trí các điều kiện cơ sở vật chất tổ chức thi tốt nhất, thuận lợi nhất; giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh để Kỳ thi diễn ra an toàn và đạt kết quả tốt nhất. Một điều đặc biệt quan trọng nữa đó là Ban Tổ chức kỳ thi phải đảm bảo các yêu cầu và chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19 – TS Trương Anh Dũng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục GGNN cũng yêu cầu đối với các Đoàn dự thi, đơn vị có thí sính dự thi: Xác định đây là cơ hội để tiếp cận với công nghệ mới, kỹ năng số và chuyển đổi số trong đơn vị và ở địa phương phục vụ phát triển năng lực số, giáo dục, đào tạo ứng dụng kỹ thuật số trong phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao. Đối với các cơ sở đào tạo, xác định đây là cơ hội để tiếp cận và gắn kết với xu thế mới của khoa học, công nghệ và việc làm trong đào tạo; là cơ hội để thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua những mô hình đào tạo mới, biện pháp xây dựng chương trình đào tạo mới; phương pháp dạy và học mới, phương pháp đánh giá, phân loại kỹ năng mới …, nhất là trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả cho phục hồi thị trường lao động đảm bảo an sinh xã hội, thích ứng với công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Đối với Ban Giám khảo cần xác định đây vừa là cơ hội để củng thí sinh củng cố nâng cao trình độ kỹ năng nghề có thể tiếp cận công nghệ cao, nhưng cũng là thách thức cần có nỗ lực của bản thân, phải thể hiện được tinh thần cao thượng, công tâm, khách quan, công bằng, chính xác trong đánh giá kết quả, tạo niềm tin cho các đoàn dự thi cũng như sự thoải mái của các thí sinh.

Còn đối với các thí sinh đây là cơ hội để thí sinh được trang bị, rèn luyện kỹ năng số trong học tập, rèn luyện, làm việc và tiến tới công dân số, công dân toàn cầu và là trung tâm của kỳ thi nên cần nỗ lực, phấn đấu hết sức để hoàn thành tốt nhất bài thi của mình.

Nhân dịp này, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng trân trọng gửi lời cảm ơn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tại điều kiện để các em thí sinh và chuyên gia được tiêm vắc xin phòng chống Covid-19; đồng thời biểu dương nỗ lực của Ban Tổ chức thi Kỹ năng nghề Việt Nam đã trong việc chuẩn bị và chủ động đổi mới, sáng tạo đề xuất kế hoạch và phương án thi phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. TS Trương Anh Dũng cũng đánh giá cao  công tác chuẩn bị tổ chức thi của các Hội đồng thi, đơn vị đăng cai tổ chức thi, các chuyên gai biên soạn đề thi và chuyên gia giám khảo; công tác huấn luyện và chuẩn bị cho thí sinh của các Đoàn dự thi, các đơn vị có thí sinh dự thi.

Được biết, Kỳ thi được tổ chức nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có kỹ năng nghề cao theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và tiệm cận được với chuẩn kỹ năng nghề ASEAN, Châu Á và thế giới; theo kịp được với xu thế phát triển của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khoa học công nghệ tiên tiến ở thời kỳ mới. Là cơ hội để sinh viên các trường giao lưu, học hỏi và chia sẻ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua kỳ thi, Ban tổ chức có thể tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 năm 2022 được tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc)

Kỳ thi năm nay diễn ra (từ 02-12/12/2021) với 14 nghề, 11 nghề trực tuyến tại HĐT QG số 1 với 140 thí sinh đến từ 23 đoàn, 03 nghề thi trực tiếp tại HĐT QG số 5 với 49 thí sinh.

Vương Linh