Xã hội
Kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật (3-12): Tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cuộc sống
09:01 AM 02/12/2017
(LĐXH) - Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có trên 25,3 nghìn người khuyết tật (NKT) ở các dạng khác nhau, trong đó có khoảng 19.000 người khuyết tật nặng. Tạo điều kiện mọi mặt để NKT vươn lên hòa nhập cuộc sống đã và đang được các cấp, ngành và địa phương thực hiện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho vợ chồng anh Tuấn, lao động khuyết tật công ty Taekwang Vina

Nỗ lực không ngừng

Cho đến nay, khi đã trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất gốm mĩ nghệ, tạo công việc có thu nhập ổn định cho 25 lao động địa phương, Ngô Quang Mẫn vẫn luôn nhớ lại một giai đoạn hết sức khó khăn. Năm 2 tuổi, một cơn sốt đã để lại di chứng làm anh liệt cả hai chân. Lớn lên đi học bị bàn bè chọc ghẹo, anh càng tự ti, mặc cảm. Được sự động viên của cha mẹ, anh đã vươn lên học hết phổ thông rồi theo nghề gốm truyền thống của địa phương. Anh Mẫn chia sẻ: “Khi mới khởi nghiệp năm 2002, tôi được Hội Nông dân hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn cách làm và truyền lại những mẫu vẽ trên sản phẩm gốm. Có nghề trong tay, tôi cùng một số anh em chịu khó nghiên cứu để sản phẩm ngày càng hoàn thiện, đẹp mắt và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”. Đến nay, cơ sở gốm mỹ nghệ của anh đã tạo công việc có thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng cho 25 lao động địa phương.

Sau cơn sốt bại liệt lúc 2 tuổi, Chị Trần Thị Châu (Suối Nho, Định Quán) từ một đứa trẻ bình thường trở thành người khuyết tật với đội chân cong queo, không còn khả năng đi lại như những đứa trẻ khác. Với chị và gia đình đó là một cú sốc quá lớn. Nhưng chính những gương sáng vươn lên của NKT được phát trên ti vi mà chị vô tình coi được đã trở thành động lực để chị tích cực vươn lên học văn hóa, học nghề, làm việc có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Không chỉ thoát khỏi mặc cảm là gánh nặng của mọi người, chị còn nỗ lực luyện tập, trở thành một vận động viên cử tạ với 14 lần dành Huy chương vàng tại các kỳ Paragames, được tuyển thẳng vào đội tuyển TDTT của tỉnh.

Chiến thắng mặc cảm của một NKT, Ngô Minh Hưng đã vươn lên trở thành một tấm gương về người tàn tật làm kinh tế giỏi. Không chỉ tự lo cho gia đình, bản thân, cơ sở điện cơ của anh tại Vĩnh Thanh (Nhơn Trạch) còn tạo việc làm ổn định cho 3 thanh niên địa phương. Hằng năm, trừ các khoản chi phí, anh còn thu lời trên trăm triệu đồng. Công việc ổn định, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như dành tặng trung bình 10 phần quà (4 triệu đồng)/năm cho người nghèo, khó khăn; tặng quà trung thu cho trẻ em nghèo; tham gia các hoạt động do Hội Nông dân và địa phương phát động; liên tục đạt danh hiệu hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, huyện.

Tại các doanh nghiệp như Công ty CP Taekwang Vina, Changshin Việt Nam, Sao Sáng Kim Cương, Sanlim Funitrue và nhiều doanh nghiệp khác trong tỉnh có gần 2000 NKT đang làm việc, có thu nhập ổn định. Điển hình như cặp vợ chồng công nhân khuyết tật Ngô Trung Hiếu, mất sức khỏe hơn 45% nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trở thành lao động tiêu biểu trong công ty Changshin. Đó còn là cặp vợ chồng Nguyễn Ngọc Tuấn Minh đang làm việc tại công ty CP Taekwang, luôn vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, làm việc tốt, được công ty khen thưởng và mới đây được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà trong chuyến thăm công nhân lao động công ty...

Lãnh đạo Công ty Changshin Việt Nam tặng quà biểu dương lao động khuyết tật tiêu biểu

Tạo điều kiện cho NKT vươn lên

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 25,3 ngàn người khuyết tật, trong đó độ tuổi từ 16 đến 60 chiếm khoảng 15.000 người, quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt để NKT vươn lên ổn định cuộc sống đang được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm. Kỷ niệm ngày Quốc tế NKT 3-12 năm nay, Sở LĐ-TBXH phối hợp tổ chức biểu dương, tôn vinh những NKT tiêu biểu, tạo thêm động lực để NKT nỗ lực vươn lên chiến thắng số phận.

Cũng theo bà Oanh, con số NKT trong độ tuổi lao động còn khá đông, quan tâm thiết thực nhất là tạo điều kiện về dạy nghề, việc làm để NKT xóa đi mặc cảm lo âu là gánh nặng của gia đình xã hội đã và đang được nhiều cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện. “Theo khảo sát của ngành, hiện các doanh nghiệp, cơ quan đang nhận khoảng 2000 lao động là NKT, nếu so với tổng số NKT trong độ tuổi lao động thì con số này còn khá khiêm tốn. Đây cũng là nội dung mà ngành lao động đã và đang phối hợp với các ngành, các tổ chức phi chính phủ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho NKT vươn lên”, bà Oanh nói.

Thực tế thời gian qua, tỉnh đã tổ chức được nhiều chương trình hỗ trợ NKT vươn lên, trong đó từ nhiều nguồn hỗ trợ đã có trên 223 tỷ đồng tạo điều kiện chăm lo cho NKT trên địa bàn. Đó là các chương trình: trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, hỗ trợ gia đình có NKT nặng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, tặng quà, tặng phương tiện cho NKT, dạy nghề, tạo việc làm, các hoạt động văn hóa thể thao...Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương NKT nỗ lực vươn lên trong các lĩnh vực cuộc sống, nỗ lực trở thành những người “tàn nhưng không phế” vừa tự chăm lo cho bản thân, gia đình và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Kỷ niệm Ngày Quốc tế NKT 3-12 năm nay, Sở LĐ-TBXH tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh 60 người khuyết tật tiêu biểu đại diện trên 25.300 NKT toàn tỉnh. Đó là những tấm gương nỗ lực vươn lên “tàn nhưng không phế” trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân, gia đình, hỗ trợ người cùng cảnh và tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, thể thao./.

                                                                                                                                N.Trinh