Thời sự
Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam
09:41 AM 29/12/2021
(LĐXH)- Ngày 28/12, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Đại hội điển hình tiên tiến vì nạn nhân chất độc da cam lần thứ IV, giai đoạn 2016 - 2021.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước đến dự, phát biểu chỉ đạo và trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng. 
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Diễn văn của Thượng Tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tại lễ mít tinh, khẳng định: Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để nhìn lại thảm họa da cam do chất độc hóa học gây ra; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; quan tâm thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực vận động nguồn lực ở trong và ngoài nước để khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người.
Những năm qua, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Phong trào “Hành động Vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động tháng 6/2011, đã lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội là sự động viên, cổ vũ to lớn để các nạn nhân vượt qua khó khăn, mặc cảm, vươn lên hoà nhập cộng đồng. 
Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, do Trung ương Hội phát động tháng 2/2007, được các cấp hội và đông đảo cán bộ, hội viên tích cực hưởng ứng, triển khai sâu rộng, đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực, toàn diện. Đại hội điển hình tiên tiến vì NNCĐDC lần thứ IV là dấu mốc quan trọng của phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2021, đồng thời biểu dương thành tích, cổ vũ tinh thần vượt khó vươn lên, trao đổi những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả; tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhằm đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, bền vững, thực chất". 
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Làm tốt công tác này cũng chính là thể hiện truyền thống "Tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời là một hành động thiết thực để góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác, phát triển, cùng tiến bộ, không có vũ khí hóa học.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu đề xuất và huy động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam với những hình thức và bước đi phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.
Dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, quyên góp, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc./.
Hồng Minh