Xã hội
Kỷ luật học sinh không nhất thiết phải dùng bạo lực...
04:05 PM 10/12/2018
(LĐXH) - Vừa qua, nhiều vụ bạo hành học sinh bị phát hiện và lên án. Điều này không có nghĩa ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em mà ngày càng có nhiều người hiểu là lên tiếng về những vụ bạo hành trẻ em...

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em, cả ở trong gia đình và trường học, gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần của trẻ. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn nếu không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, làm thay đổi từ nhận thức đến hành vi ứng xử với trẻ em. Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 vụ xâm hại và bạo hành trẻ em, diễn ra cả trong gia đình, trường học và ngoài xã hội. Ðây mới chỉ là số vụ được phát hiện, hoặc trình báo, con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn rất nhiều. Hầu hết, các vụ trẻ bị bạo hành đều được phát hiện muộn, thậm chí là quá muộn. Nhiều trẻ bị bạo hành gây chấn thương và để lại di chứng suốt đời. Nhiều trẻ bị sang chấn tâm lý nặng nề, ảnh hưởng xấu về sức khỏe, tinh thần, khả năng học tập, khả năng giao tiếp và sự phát triển bình thường.

“Bạo lực đối với trẻ em có thể xảy ra mọi nơi, ngay cả những nơi lẽ ra an toàn nhất đối với trẻ đó là gia đình và trường học. Vừa qua, nhiều vụ bạo hành học sinh bị phát hiện và lên án. Điều này không có nghĩa ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em mà ngày càng có nhiều người hiểu là lên tiếng về những vụ bạo hành trẻ em. Điều cần thiết nhất hiện nay là nâng cao nhận thức cho giáo viên về quyền trẻ em để kỷ luật học sinh không nhất thiết phải dùng bạo lực”, bà Lesley Miller, Quyền đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ.

 Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, ra các vụ bạo lực của giáo viên với học sinh ngay tại lớp học là những sự việc thực sự đau lòng. Ngành giáo dục cần có những giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn nữa để phòng ngừa bạo lực trong trường học. Hiện nay chúng ta vẫn thiên về giải quyết theo từng vụ việc, nhưng muốn phòng ngừa về lâu về dài, thì cần phân tích các nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bạo lực trong trường học, từ đó đưa ra các cách giải quyết phù hợp.

 

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam

Theo ông Đặng Hoa Nam, vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất xuất phát từ đạo đức của nhà giáo. Không có quốc gia, ngành giáo dục nào cho phép thầy bạo hành trò, đặc biệt trong xã hội văn minh, khi chúng ta có hiến pháp, pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền con người, không đạo lý nào cho phép giáo viên gây tổn thương và xúc phạm đến học sinh. Thứ hai là đào tạo chuyên môn và cập nhật kiến thức về chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, truyền đạt, giáo dục học sinh trong nhà trường đang có vấn đề. Cần giảng dạy cho các giáo viên kỹ năng, kiến thức về kỷ luật không bạo lực trong lớp học. Thứ ba, giáo viên không chỉ cần hiểu về quy chế trường học, mà còn cần hiểu về quyền trẻ em, pháp luật về xử phạt hành chính, luật hình sự. Những vụ bạo lực vừa rồi, giáo viên hoàn toàn không hiểu về quyền của trẻ em và quyền đó cần được tôn trọng.

Ông Nam cho rằng nhìn lại tổng quan, ngay khi sự việc cô giáo tại huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) yêu cầu học sinh trong lớp tát bạn 230 cái chưa lắng xuống thì ngay lại thủ đô và các địa phương khác liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ. Những giáo viên này có vấn đề về tâm lý. “Ngành giáo dục đã bắt đầu triển khai hoạt động tư vấn tâm lý học đường, nhưng cần triển khai tích cực hơn nữa kết hợp với công tác xã hội trong trường học”.

Trách nhiệm về công tác tâm lý học đường là của ngành giáo dục, về công tác xã hội trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để triển khai các dịch vụ hỗ trợ xã hội nhằm hỗ trợ cho giáo viên, ban giám hiệu giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Nó phải trở thành dịch vụ cơ hữu không thể thiếu trong trường  học. “Tâm lý học đường không chỉ là giải quyết các vấn đề về tâm lý học sinh, mà là giải quyết các vấn đề về tâm lý trong môi trường giáo dục như quan hệ giữa học sinh với học sinh,  học sinh với giáo viên, giáo viên với phụ huynh, giáo viên với ban giám hiệu.... Trong đó, giáo viên là đối tượng cần được ưu tiên trong hoạt động tư vấn”, ông Nam nhấn mạnh.,

Dư luận xã hội cũng cần hiểu đúng về sự cao quý của nghề giáo. Nghề giáo rất cao quý nhưng giáo viên không phải là công dân đặc biệt, khi giáo viên vi phạm pháp luật và gây tổn thương cho học sinh của mình thì tùy theo mức độ tổn thương, giáo viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bao gồm cả xử phạt hành chính bằng tiền cũng như xử lý hình sự.

Cần thiết thống nhất quy trình xử lý bạo lực trẻ em tại trường học (Ảnh minh họa)

Quy định về bảo vệ trẻ em, hỗ trợ các trẻ em bị bạo lực xâm hại đã có trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ. Vấn đề là cần có quy trình thống nhất để Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cho tất cả các trường học, hiệu trưởng, giáo viên, các cán bộ quản lý khác từ cấp Sở… Khi trẻ em bị xâm hại trong trường học có nghĩa cũng trẻ em cần được bảo vệ.

Trong Nghị định 56 quy định khi xảy ra những sự việc xâm hại trẻ em cần cung cấp ngay thông tin, thông báo đến cơ quan chức năng để phối hợp hỗ trợ bảo vệ nạn nhân. Nhiều nhà trường không muốn cung cấp thông tin ra bên ngoài mà tự giải quyết. Nhưng ban giám hiệu và cá nhân không thể giải quyết được những vụ việc bạo lực trẻ em, mà nên có sự phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em,cơ quan công an để nhanh chóng xác minh mức độ vi phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có quy trình riêng, thống nhất trong xử lý các vụ xâm hại trẻ em tại trường học. Không thể mỗi trường hợp lại có một công văn hướng dẫn.

Đăng Doanh