Lao động
Ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam và Lào
05:27 PM 29/11/2022
(LĐXH)- Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Lào diễn ra ngày 29/11 tại Quảng Ninh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
Mục đích của Thỏa thuận nhằm cam kết cùng hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng nghề, thúc đẩy liên kết đào tạo nghề, bồi dưỡng tăng cường năng lực đỗi ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ công tác trong lĩnh vực lao động, phúc lợi xã hội và giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào Baykham Khattiya ký kết Thỏa thuận hợp tác
Theo biên bản thỏa thuận, nội dung các lĩnh vực hợp tác bao gồm:
1. Chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách về phát triển nguồn nhân lực.
2. Hợp tác đào tạo dài hạn về phát triển kỹ năng nghề; huấn luyện chuyên gia và thí sinh Lào tham dự các kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN.
3. Hợp tác xây dựng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; hợp tác phát triển chính sách, phát triển hệ thống đánh giá kết quả thực hiện việc phát triển kỹ năng nghề và các hoạt động liên quan nhằm công nhận lẫn nhau kỹ năng nghề cho lao động hai nước và tham chiếu khung tham chiếu ASEAN; đẩy mạnh công tác quản lý và hợp tác dịch chuyển lao động có tay nghề giữa hai nước.
4. Hợp tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên trong các trung tâm phát triển kỹ năng nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nâng cao kỹ thuật cho cán bộ làm công tác lao động và phúc lợi xã hội.
5. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho trung tâm phát triển kỹ năng nghề, các cơ sở đào tạo nghề ở Trung ương và địa phương hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và liên kết đào tạo trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
6. Hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào và các liên doanh nước ngoài có trụ sở tại Lào và Việt Nam trong phát triển kỹ năng nghề gắn với thị trường lao động của Lào.
7. Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam triển khai đầu tư các dự án đào tạo nghề tại Lào.
8. Hỗ trợ thiết bị phục vụ thực tế việc phát triển kỹ năng và đào tạo nghề, thiết kế, xây dựng chương trình về phát triển kỹ năng và đào tạo nghề, chuyển giao các chương trình đào tạo cho trung tâm phát triển kỹ năng nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
9. Hợp tác đào tạo tiếng Lào cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và đào tạo tiếng Việt cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Lào và cán bộ làm việc trong ngành lao động và phúc lợi xã hội.
10. Nghiên cứu xem xét triển khai các dự án liên quan mà hai bên cùng quan tâm.
11. Hợp tác về phát triển nguồn nhân lực trong khuôn khổ khu vực và quốc tế.
Việt Nam - Lào sẽ cùng nhau tiếp tục duy trì, đẩy mạnh và đa dạng hóa các loại hình, cơ chế hợp tác ở tất cả các cấp, trong đó đẩy mạnh các hình thức trực tuyến. Cụ thể, nhưng không giới hạn, gồm các hình thức: Hợp tác kỹ thuật, trao đổi chuyên gia; Đối thoại chính sách, trao đổi thông tin; Chuyển giao công nghệ về phát triển kỹ năng và đào tạo nghề; Hội nghị, hội thảo, nghiên cứu / chương trình / dự án chung; Học bổng về phát triển kỹ năng và giáo dục nghề nghiệp, cung cấp trang thiết bị phục vụ việc phát triển kỹ năng và đào tạo nghề; Liên kết đào tạo; Tham gia các sáng kiến chung và hỗ trợ nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Chí Tâm