Lao động
KonTum: Trên 5,2 tỷ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
10:43 AM 23/10/2021
(LĐXH) - Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh KonTum ban hành Kế hoạch số 2456/KHUBND về triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và các văn bản chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện.
Cụ thể, toàn tỉnh đã tiến hành giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 874 doanh nghiệp 16.047 lao động với số tiền 4.860 triệu đồng; hỗ trợ 05 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 57 lao động với kinh phí 359,702 triệu. Cùng với đó, hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho 91 hộ kinh doanh, với tổng kinh phí 273 triệu đồng; 474 lượt lao động là viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và người thực hiện cách ly y tế F1 với tổng kinh phí 1.244,670 triệu đồng. Cùng với đó, hoàn thành việc hỗ trợ cho 46 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hướng trợ cấp thất nghiệp (trong đó hỗ trợ bổ sung cho 01 lao động có thai và 27 trẻ em) với tổng kinh phí 198,660 triệu đồng. Hỗ trợ cho 227 lao động (18 lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày đến dưới 30ngày, 209 lao động tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương nghỉviệc trên 30 ngày trở lên); hỗ trợ bổ sung cho 07 lao động mang thai và 108 trẻ em với số tiền là 923.780.000 đồng.
Chi trả hỗ trợ cho lao động tự do tỉnh Kon Tum
Về Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 06 lao động; hỗ trợ bổ sung 01 trẻ em, tổng kinh phí hỗ trợ 07 triệu đồng; tiến hành chi trả cho 05 lao động, 01 trẻ em với số tiền 6 triệu đồng. Hoàn thành hỗ trợ 21 trường hợp F1 với kinh phí trên 28 triệu đồng; hỗ trợ bổ sung 09 trẻ em là F1 với kinh phí 09 triệu đồng
Chính sách Hỗ trợ hộ kinh doanh: Đã phê duyệt hỗ trợ cho 91 hộ kinh doanh, với kinh phí 273 triệu đồng; tiến hành chi trả cho 88 hộ kinh doanh, với kinh phí 264 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Đã duyệt hồ sơ và giải ngân cho 05 đơn vị vay 359.702.000 đồng để trả lương  cho 57 lao động. Cụ thể: Vay vốn trả lương ngừng việc: có 04 đơn vị vay 312.102.000 đồng để trả lương cho 50 lao động; Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất: có 01 đơn vị vay vốn 47.600.000 đồng để trả lương cho 07 lao động.
Về chính sách Hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Hiện nay đã phối hợp các sở,
ngành tham mưu bổ sung chính sách đối với đối tượng đặc thù, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh về chủ trương triển khai chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh KonTum.
Mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác thực hiện hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Hiện nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực giáo dục, giao thông vận tải và các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; massage; quán bar; trò chơi điện tử (game online); phòng tập gym; các quán ăn, quán bia, quán bán nước, quán trà đá, quán cà phê ở vỉa hè bị dừng hoạt động theo Công điện của UBND tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chưa sâu rộng, đảm bảo kịp thời đến các đơn vị, địa phương, người lao động, người sử dụng lao động và Nhân dân. Một số địa phương chưa chủ động căn cứ tình hình thực tế của địa phương đề xuất tiêu chí (thu nhập bình quân/người; thời gian cư trú ở địa phương;...); xác định đối tượng (đặc điểm nghề nghiệp; thu nhập hàng ngày;...), mức hỗ trợ phùhợp tiêu chuẩn về thu nhập do tổ chức/cá nhân có thẩm quyền. Một số tổ chức, đơn vị, cá nhân chưa phát huy tính chủ động, tham mưu UBND huyện, thành phố trong việc triển khai chính sách, phù hợp điều kiện cụ thể của từng đơn vị, địa phương để linh hoạt triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đáp ứng yêu cầu thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết HĐLĐ (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác tại Nghị quyết số 68/NQ-CP giao cho địa phương ban hành chính sách; phát sinh đối tượng đặc thù cần phải xem xét bổ sung, hỗ trợ phù hợp ngân sách địa phương trong điều kiện ngân sách hạn chế.
Trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh Kon Tum tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 một cách sâu rộng, đảm bảo kịp thời đến các đơn vị, địa phương, người lao động, người sử dụng lao động và Nhân dân. Sớm có chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 phải về quê, nay thiếu chi phí để trở lại các khu công nghiệp trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tham gia thị trường lao động, góp phần khôi phục kinh tế đất nước.
Nam Khánh