Xã hội
Kon Tum: Tiếp nhận và phân bổ 181,515 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ cứu đói cho nhân dân
02:00 PM 20/03/2023
(LĐXH) - Trên cơ sở nguồn gạo phân bổ cứu đói cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023, tỉnh Kon Tum đã triển khai kịp thời công tác cấp phát đến từng hộ dân.
Tỉnh đã triển khai kịp thời công tác hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân
Thực hiện Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh Bắc Kạn, Kon Tum dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum đã chủ động có các văn bản hướng dẫn, triển khai đến các địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát tình hình thiếu đói của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh, dịp giáp hạt năm 2023; Căn cứ tình hình thực tế để có kế hoạch hỗ trợ nhân dân tại địa phương theo quy định; Kịp thời xây dựng triển khai Kế hoạch về việc giao nhận, kiểm tra, quản lý và cấp phát gạo hỗ trợ.
Theo đó, tỉnh Kon Tum được Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bắc Tây Nguyên xuất cấp không thu tiền 181,515 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân có nguy cơ thiếu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và giáp hạt đầu năm 2023, trong đó cấp 91,410 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và 90,405 tấn gạo cứu đói dịp giáp hạt đầu năm  2023.
Hiện nay, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ gạo cho 1.750 hộ/ 6.094 khẩu nghèo với 91,410 tấn gạo có nguy cơ  thiếu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2023; Hỗ trợ cho 1.655 hộ/ 6.007 khẩu nghèo với 90,405 tấn gạo có nguy cơ thiếu đói dịp giáp hạt năm 2023. Chỉ số chất lượng gạo khi xuất tại cửa kho: Gạo 15% tấm, loại hạt dài được xay xát từ thóc thu hoạch vụ đông xuân năm 2022 tại Nam bộ; Gạo đủ tiêu  chuẩn, chất lượng xuất kho.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch cử công chức trực tiếp phối hợp Chi cục Dự trữ nhà nước Kon Tum tổ chức kiểm tra, thực hiện việc giao, nhận gạo với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện (cơ quan được UBND huyện giao trách nhiệm giao nhận gạo hỗ trợ) tại trung tâm huyện, xã.
Ủy ban nhân dân các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông báo cáo, đánh giá đã thực hiện xong việc cấp gạo đến đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch và giáp hạt được rà soát tại các thôn, xã thuộc đơn vị mình. Thời gian thực hiện giao hỗ trợ đến khẩu, hộ gia đình dịp Tết nguyên đán kịp thời hoàn thành trước ngày 20/01/2023; giao dịp giáp hạt đã hoàn thành trước ngày 15/02/2023. Định mức cấp hỗ trợ theo quy định 15 kg gạo/người. Đối tượng cấp gạo là hộ nghèo có hoàn cảnh thiếu đói dịp Tết âm lịch và giáp hạt năm 2023.
Song song với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã kết hợp trực tiếp kiểm tra việc cấp gạo tại một số xã thuộc 05 huyện trong ngày giám sát giao và nhận gạo. Hướng dẫn, đôn đốc cấp huyện thực hiện thủ tục phân bổ, tiếp nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ đảm bảo theo đúng quy trình, kịp thời, không để xảy ra thắc mắc, khiếu kiện, chưa phát hiện cấp gạo hỗ trợ sai đối tượng; sử dụng gạo sai mục đích và không vi phạm quy định tại Nghị định số 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
Theo đánh giá, việc phân bổ gạo hỗ trợ nhân dân được các huyện quan tâm thực hiện; các huyện, thành phố đã chủ động nguồn ngân sách huyện và vận động nguồn lực từ nhân dân, các nhà hảo tâm để hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2023, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để hỗ trợ cứu đói; kịp thời từng bước giải quyết tình hình thiếu đói tại địa phương trước khi đề xuất tỉnh và Trung ương hỗ trợ.
Việc hỗ trợ gạo của Chính phủ và tại các địa phương cho nhân dân thiếu đói được thực hiện khẩn trương, kịp thời; có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị liên quan từ cấp trung ương đến tỉnh, huyện, xã; góp phần bảo đảm an ninh chính trị và ổn định đời sống cho nhân dân tại địa phương; tạo niềm tin và nâng cao nhận thức của nhân dân tại cộng đồng đối với chính sách an sinh xã hội trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như: Kon Tum là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn; có hộ nghèo phát sinh nhiều do nhiều nguyên nhân: Có thành viên bị tai nạn rủi ro, khuyết tật, hộ sản xuất mùa vụ không đạt hiệu quả và chưa đến mùa thu hoạch, do ảnh
hưởng của thiên tai… dẫn đến tình trạng còn hộ có nguy cơ thiếu đói giáp hạt. Trong thời gian tới rất cần sự quan tâm của Bộ Lao động - TBXH và Bộ Tài chính phối hợp báo cáo và đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhân dân ngoài khả năng của địa phương, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo “không để ai thiếu ăn” tại địa phương./.
Hồng Phượng