Xã hội
Kon Tum tích cực thực hiện tín dụng chính sách xã hội để giảm nghèo bền vững
06:07 PM 26/09/2019
(LĐXH)-Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên 9.680,49 km2. Dân số trung bình toàn tỉnh đến năm 2018 là 535 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 53,25% với 28 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hre (Hrê).
Toàn tỉnh hiện có 09 huyện, 01 thành phố với 102 xã, phường, thị trấn (25 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I, 28 xã khu vực II và 49 xã khu vực III); 54 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 66 thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; có 02 huyện nghèo được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ  (huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông) và 01 huyện nghèo mới bổ sung theo Quyết định 275/QĐ-TTg của của Chính phủ (huyện Ia H’Drai).  
Mặc dù có nhiều thành quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo song hiện tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do đặc điểm về điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, thiên tai lũ lụt sạt lở, và dịch bệnh,... thường xuyên xảy ra gây thiệt hại lớn cho con người và sản xuất dẫn đến nguy cơ tái nghèo và giảm nghèo thiếu bền vững, đói giáp hạt,...
Xác định tín dụng chính sách xã hội là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội, trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay tại các huyện nghèo, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới… nhằm tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh - chính trị, xây dựng nông thôn mới, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Bà con dân tộc xã Ngộc Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội trồng sâm Ngọc Linh để xóa đóii giảm nghèo
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các phương tiện thông tin đại chúng đã phối hợp tuyên truyền qua báo, đài, truyền hình, và tại các Điểm giao dịch xã và thông qua các cuộc họp ở thôn, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV), gặp tư vấn trực tiếp đến các nhóm đối tượng. Trong giai đoạn 2016-2018, đã có hơn 10 phóng sự chuyên đề và 50 tin, bài về tín dụng chính sách xã hội đưa trên các phương tiện báo chí, truyền hình; hàng trăm lượt tập huấn, tuyên truyền tại xã và các Tổ TK&VV...
Tỉnh ủy cũng quan tâm lãnh đạo sâu sát, HĐND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh định kỳ hàng năm đều tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó đã kịp thời chỉ đạo những khó khăn vướng mắc của cơ sở; đồng thời đề nghị, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, Ngành về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn vướng mắc.
Ban đại diện HĐQT các cấp, chính quyền cấp cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên quan tâm, kiểm tra giám sát theo quy định, nhằm làm tốt công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua các hình thức tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra cấp dưới, kiểm tra chéo...
Từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2019, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã kiểm tra được 256 lượt huyện, 568 lượt điểm giao dịch xã, 720 lượt xã và 1.8507 lượt các tổ TK&VV; Ban đại diện HĐQT cấp huyện đã kiểm tra được 706 lượt điểm giao dịch, 1.263 lượt xã và 4.910 lượt Tổ TK&VV; các thành viên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên kiểm tra giám sát, đôn đốc, chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế.
Cùng với đó NHCSXH tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát nội bộ được 568 lượt huyện, 685 lượt xã, 708 lượt điểm giao dịch xã và 5.668 lượt Tổ TK&VV; NHCSXH huyện và và các tổ chức chính trị - xã hội huyện kiểm tra 1.250 lượt xã, 1.379lượt điểm giao xã và 10.852 lượt Tổ TK&VV. Kết quả kiểm tra đã ngăn ngừa các tồn tại, sai sót trong nghiệp vụ chuyên môn, hạn chế rủi ro trong tín dụng, chất lượng chuyên môn ngày càng nâng cao.
Trong giai đoạn 2016-2018, bám sát mục tiêu giảm nghèo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hằng năm, bên cạnh việc tranh thủ tối đa nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách từ Trung ương chuyển về, NHCSXH trên địa bàn tỉnh đã tích cực huy động nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương dành ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhờ đó nguồn vốn cho vay được tăng lên hàng năm.
Tính đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn đạt 2.535.058 triệu đồng, tăng 880.675 triệu đồng (tăng 53,2%) so với thời điểm năm 2015. Trong đó: Vốn cân đối từ Trung ương đạt 2.273.471 triệu đồng, tăng 669.440 triệu đồng, tỷ lệ tăng trưởng (tăng 41,7%); Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 66.648 triệu đồng, tăng 57.411 triệu đồng (tăng 608,4%); Vốn huy động của các tổ chức, cá nhân đạt 190.141 triệu đồng, tăng 150.879 triệu đồng ( tăng 384,3%).
Để vốn tín dụng chính sách xã hội mang lại hiệu quả, chính quyền các cấp đã chỉ đạo lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác của địa phương để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân và cộng đồng xã hội như vốn tín dụng chính sách tham gia: Dự án trồng cao su tiểu điền cho hộ nghèo là người đồng bào DTTS tại các huyện Đắk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum; mô hình trồng cây cà phê, rau, hoa, quả xứ lạnh tại huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, ĐăkGlei; mô hình nhóm hộ chăn nuôi bò sinh sản tại xã Văn Lem, huyện Đăk Tô; mô hình nhóm hộ trồng sâm dây tại huyện Tu Mơ Rông; dự án phát triển đàn trâu, bò để hỗ trợ GNBV tại huyện Kon Rẫy, Sa Thầy,...
Từ nguồn vốn cho vay huy động được, tính đến cuối tháng 6/2019, NHCSXH tỉnh đã và đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách. Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, NHCSXH trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2019, vốn tín dụng chính sách đã đến với 89.791 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng. Trong đó, 661 lượt hộ vay vốn để trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; 4.310 lượt hộ được vay vốn để tạo việc làm; 34 lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động; 21.046 lượt hộ vay vốn để xây dựng, cải tạo, nâng cấp 37.438 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn; 1.245 hộ nghèo vay vốn để làm nhà ở; 15.649 lượt hộ vay vốn để sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; 3.646 lượt hộ đồng bào DTTS vay vốn để phát triển sản xuất; 88 thương nhân vay vốn để hoạt động thương mại tại vùng khó khăn. Tăng cơ học được hơn 30 ngàn con trâu, bò; hơn 10 ngàn gia súc, gia cầm các loại; trồng và chăm sóc 10.800 ha bời lời, 3.750 ha cà phê, 9.830 ha cao su và 3.263 ha cây lâu năm khác ...
Trong giai đoạn 2016-2019, vốn tín dụng chính sách đã đến với 89.791 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tỉnh Kon Tum
Ngoài ra, với việc vay vốn tín dụng chính sách với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả nợ trả lãi tại điểm giao dịch xã đã giúp người dân tiếp cận từng bước tiếp cận được các chương trình tín dụng chính thức; trực tiếp hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn, góp phần làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, nhất là đồng bào DTTS, giúp họ thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo.
Đối với công tác giảm nghèo, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 23.000 hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, giai đoạn 2016-2018, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,11% xuống còn 17,29% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Chính xác đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 22.851 hộ, chiếm tỷ lệ 17,29% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 21.392 hộ nghèo người DTTS, chiếm tỷ lệ 30,89% so với tổng số hộ người DTTS toàn tỉnh. Số hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập là 19.559 hộ, chiếm tỷ lệ 14,79% tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 18.280 hộ nghèo người DTTS theo tiêu chí thu nhập, chiếm 26,39% so với tổng số hộ người DTTS toàn tỉnh.
Đối với công tác xây dựng nông thôn mới, doanh số cho vay đạt 2.143.624 triệu đồng (trong đó, cho vay tại 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới 536.405 triệu đồng), chiếm tỷ lệ 82,5% doanh số cho vay của NHCSXH; dư nợ đạt 2.128.384 triệu đồng, tăng 165.700 triệu đồng so với thời điểm năm 2015, với 53.973 hộ còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho 2.804 lao động; 549 học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 1.152 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà ở; 36.573 công trình nước sạch và vệ sinh môi, góp phần giúp cho 18/86 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí và đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương về viêc "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội". Đồng thời đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương  xem xét một số nội dung sau: Mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg với đối tượng là hộ có mức sống trung bình; mở rộng cho vay xuất khẩu lao động với đối tượng là lao động thuộc hộ mới thoát nghèo.
Nâng mức cho vay chương trình học sinh sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg lên mức 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường; Nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn lên 100 triệu đồng/hộ vay, chương trình cho vay giải quyết việc làm lên 100 triệu đồng/lao động và thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư hiệu quả các dự án sản xuất kinh doanh quy mô lớn với đối tượng đầu tư có chu kỳ sinh trưởng (kỳ luân chuyển vốn) dài hạn. 
Điều chỉnh tăng lãi suất chương trình cho vay giải quyết việc làm bằng lãi suất chương trình cho vay hộ cận nghèo để tạo sự công bằng; hàng năm tăng cấp bổ sung ngân sách Nhà nước, bổ sung nhiều nguồn lực của xã hội (trong nước và ngoài nước) cho Quỹ quốc gia về việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31/12/2020); đồng thời cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm và cho phép kéo dài thời hạn vay vốn tối đa đến 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng lâu năm, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài.
Sớm ban hành chính sách xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo, hộ DTTS nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Trần Thị Mỹ Hạnh