Giáo dục - Nghề nghiệp
Kon Tum sắp xếp trường nghề gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
03:49 PM 03/06/2021
(LĐXH)- Thực hiện chủ trương sắp xếp các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nay, chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở Kon Tum đã và đang từng bước đáp ứng nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững...
Theo đó, tỉnh đã tiến hành sáp nhập 04 trường cao đẳng, trung cấp gồm: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kon Tum, Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, Trung cấp Y tế Kon Tum, Trung cấp nghề Kon Tum thành trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum và được phê duyệt tại Quyết định số 1671/QĐ-LĐTBXH ngày 24/10/2017 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn 08 huyện thành trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi sáp nhập, trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở GDNN do địa phương quản lý, gồm: 01 Trường Cao đẳng cộng đồng, 08 Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên cấp huyện (Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông); 02 Trung tâm GDNN tư thục đào tạo (Trung tâm GDNN đào tạo lái xe KoRuCo, Trung tâm GDNN Kỹ thuật vận tải nghề lái xe. Tỉnh có 09/11 cơ sở giáo dục công lập (chiếm 81,8%) và 02/11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (chiếm 18,2%). Hệ thống cơ sở GDNN đã dần đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo năng lực đào tạo các cấp trình độ GDNN cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo trên địa bàn từng huyện, thành phố cũng như toàn tỉnh.
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum
Các cơ sở GDNN trong tỉnh đã xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo. Một số cơ sở  giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan chuyên môn của địa phương, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình. Trong đó, tập trung dành thời gian để thực hành (thời lượng lý thuyết chỉ từ 10 - 30% thời lượng học tập). Phương thức công nhận tốt nghiệp được đổi mới; việc xây dựng các bộ đề thi và tổ chức thi tốt nghiệp, đảm bảo chặt chẽ, khách quan. 
Tính từ năm 2016 đến đầu tháng 6/2021, hệ thống cơ sở GDNN tỉnh Kon Tum đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 31.578 lao động, trong đó chủ yếu các nghề nông nghiệp, thời gian đào tạo sơ cấp dưới 3 tháng, cụ thể: trình độ cao đẳng 647 người, trung cấp: 878 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 30.026 người.
Nhìn chung, chất lượng GDNN ở Kon Tumn đã và đang từng bước đáp ứng nhân lực chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Cụ thể, có từ 75 – 85% lao động được sử dụng đúng nghề và trình độ đào tạo; hơn 25% lao động có kỹ năng tay nghề khá trở lên, đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp. Trong đó, riêng Trường Cao đẳng cộng đồng Kon Tum đặt mối quan hệ và triển khai các hoạt động đào tạo theo đơn đặt hàng với 12 doanh nghiệp; cung cấp và tuyển dụng lao động với 152 doanh nghiệp; tiếp nhận thực tập cho 750 học sinh, sinh viên; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên...
Tiếp đó, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Kon Tum còn quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo tín chỉ cho đội ngũ giáo viên. Tổ chức các hội giảng, hội thi cấp tỉnh và tiếp tục lựa chọn các bài giảng, thiết bị tốt nhất tham gia Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt. Chú trọng tham dự các hội thảo chuyên đề về giáo dục nghề nghiệp của các tổ chức quốc tế, qua đó giúp cán bộ quản lý tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.
Đến nay, tổng số viên chức nhà giáo GDNN cơ hữu trên địa bàn tỉnh là 353 người. Nhìn chung các nhà giáo có trình độ chuyên môn và trình độ kỹ năng nghề phù hợp với cho các nghề mà các cơ sở GDNN đã đăng ký hoạt động. Đảm bảo tỷ lệ học sinh/giáo viên quy đổi theo quy định chung. Cụ thể: trình độ chuyên môn nhà giáo có 02 tiến sĩ (chiếm 0,57%), 128 thạc sĩ (chiếm 36,26%), 172 đại học (chiếm 48,72%), 23 cao đẳng (chiếm 6,52%); 28 trung cấp chuyên nghiệp (chiếm 7,93%). Về kỹ năng nghề có 200/353 giáo viên, giảng viên đạt chuẩn dạy thực hành các trình độ (chiếm 56,65%); có 336 giáo viên, giảng viên có nghiệp vụ sư phạm phù hợp các trình độ giảng dạy (chiếm 95,18%) và 18 giáo viên chưa có nghiệp vụ sư phạm (chiếm 5,09%). Tỉnh có 348 giáo viên, giảng viên đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ (chiếm 98,58%); 333 giáo viên, giảng viên đạt chuẩn về trình độ tin học (chiếm 94,33%).
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác GDNN, Kon Tum còn chú trọng đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề. Hiện tại, các địa điểm đào tạo của cơ sở GDNN phù hợp với quy hoạch chung của mạng lưới các cơ sở GDNN, trong đó Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum là một trong những trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn hỗ trợ đầu tư mua sắm thiết bị đào tạo nghề trọng điểm và đầu tư đồng bộ theo hướng tiếp cận tiêu chí trường chất lượng cao. Trung tâm GDNN – Giáo dục thường xuyên các huyện thực hiện quản lý, bảo dưỡng, vận hành và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư vào hoạt động đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo.
Có thể nói, bằng việc triển thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực và cách làm mạnh mẽ, quyết liệt trong việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Kon Tum bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Chí Tâm