Lao động
Kinh nghiệm từ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở Yên Bái
01:58 PM 06/10/2020
(LĐXH)- Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn ưu tiên công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động, đến nay đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Ðể tạo việc làm cho người lao động, tỉnh Yên Bái đã tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân lựa chọn nghề, việc làm phù hợp điều kiện thực tế. Các phòng chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; điều tra nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Cùng với đó khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; quan tâm hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế gia đình, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa...
Một lớp học nghề ở trường CĐ Nghề Yên Bái
Đặc biệt, hàng năm tỉnh Yên Bái đều dành một khoản ngân sách nhất định cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm, đồng thời tổ chức khảo sát nắm chắc thực trạng lao động, việc làm tại các địa phương và thực trạng sử dụng lao động, nhu cầu nguồn nhân lực theo cơ chế nghề của các doanh nghiệp và các đơn vị tuyển dụng lao động. Trên cơ sở đó, tỉnh đã khuyến khích được các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đa dạng hoá các ngành nghề, nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động và xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ, trong đó chú trọng kết nối cung - cầu lao động thông qua các đơn vị, trong đó chú trọng vào việc giải quyết việc làm cho lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Yên Bái đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Trước dịch bệnh, các phiên giao dịch việc làm định kỳ và lưu động thường xuyên được tổ chức tại các xã, huyện. Ở các phiên giao dịch này, người lao động không chỉ được giới thiệu về các vị trí việc làm mà còn được phổ biến về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, chính sách bảo hiểm…
Trung tâm cũng tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như các trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương khác để nâng cao cơ hội việc làm cho người lao động, tổ chức tư vấn việc làm tại các xã, trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó thường xuyên cập nhật thông báo tuyển dụng của các đơn vị thuộc các lĩnh vực: Chăm sóc y tế, chế biến thực phẩm, xây dựng, chế tạo máy… ở nước ngoài để hỗ trợ những đối tượng đang có nhu cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái đã tư vấn cho 10.039 lượt người lao động, trong đó: Tư vấn gián tiếp qua website, fanpage 3.625 lượt người; tư vấn cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.396 lượt người; tư vấn trực tiếp cho lao động là 4.018 lượt người.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Yên Bái đã liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty Lắp đặt điện nước Tây Hồ - Hà Nội, Công ty TNHH Samsung, Công ty TNHH Canon, chuỗi các nhà hàng, khách sạn… để đưa học viên tới thực tập, kiến tập nhằm nâng cao tính thực tiễn để mang lại hiệu quả cao nhất.
Hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã tạo điều kiện cho lao động địa phương cải thiện sinh kế, khuyến khích những lao động thiếu kĩ năng tham gia tích cực vào thị trường lao động. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, tỉnh đã giúp các nhóm yếu thế như: Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được bảo trợ xã hội vươn lên góp phần vào những thành tích chung trong công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Đặc biệt từ đầu năm đến nay, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra nhưng với các giải pháp đồng bộ, tính đến hết tháng 6, Yên Bái đã giải quyết việc làm cho 9.117 lao động (trong đó từ: Phát triển kinh tế, xã hội 6.254 người; xuất khẩu lao động 55 người; vay vốn giải quyết việc làm 425 người; cung ứng lao động đi làm việc tỉnh ngoài 2.383 người). 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 6.935 lao động, chuyển dịch được 3.698 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 
Tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp
Tuy nhiên công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vẫn còn những hạn chế nhất định, chất lượng đào tạo nghề ở một số lĩnh vực, một số địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu trình độ đào tạo nghề chủ yếu tập trung ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ cao (lên tới 78%), trong khi trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 22%. Sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để giải quyết việc làm còn chưa thực sự hiệu quả; định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT chưa đáp ứng yêu cầu.
Một phiên giao dịch việc làm cho Trung tâm DVVL tỉnh Yên Bái tổ chức
Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quôc tế.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu, trong đó phải kể đến: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp và việc làm, tập trung vào đối tượng học sinh đang theo học và học sinh tốt nghiệp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh nhằm tăng tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp tham gia học nghề, đặc biệt là học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp; thực hiện tốt việc giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp, tuyển dụng lao động tốt nghiệp các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các hoạt động: tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh -hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề - tuyển dụng lao động; phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông; xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp, thông tin về việc làm thị trường lao động trên Website của từng ngành góp phần đẩy mạnh phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh tham gia học nghề, tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách đặc thù của tỉnh giai đoạn 2021-2025 trong năm 2020 để thực hiện Đề án Chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm khuyến khích chyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ đối với doanh nghiệp được tỉnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vưc công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ; hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt hàng đào tạo theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo cho lao động đi xuất khẩu lao động.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo, chú trọng liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng đào tạo; chỉ đạo, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đúng quy định về liên kết đào tạo nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, tăng cường mối liên hệ hỗ trợ đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục cho phép các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh tham gia liên kết ở những ngành nghề tỉnh có nhu cầu.
Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu các trường cao đẳng, trung cấp, mỗi trường ký kết hợp đồng đào tạo với ít nhất 3-4 doanh nghiệp; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện ký kết ít nhất 2 hợp đồng đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để đào tạo và cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Tăng cường thông tin thị trường lao động, đặc biệt là khảo sát, thu thập thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của một số doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh đang thu hút nhiều lao động của tỉnh Yên Bái, tăng cường trách nhiệm của Trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thông tin thị trường lao động trong tỉnh, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường lao động, cập nhập trên website của Sở và cung cấp các bản tin thị trường lao động, kết quả đào tạo nghề (định kỳ 6 tháng/lần) cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp phục vụ việc tuyển dụng và đào tạo lao động.
Cùng với đó, tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương và tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và học sinh tốt nghiệp THCS, THPT không tiếp tục tham gia học thông qua các phiên giao dịch việc làm để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc của người lao động. Cử cán bộ (cấp tỉnh, huyện) tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động, đặc biệt đối với doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động, kết nối tốt thông tin thị trường lao động để cung ứng lao động đi làm việc ngoài tĩnh, tăng cường xuất khẩu lao động đã qua đào tạo, hỗ trợ các huyện 30a trong việc xuất khẩu lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đào tạo nghề, kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, tăng cường kiểm tra hoạt động đào tạo nghề, hoạt động liên kết đào tạo; kiểm tra công tác thực hiện kế hoạch chuyển dịch cơ cấu lao động của các địa phương./.
Nguyễn Lại Thìn