Xã hội
Kiên quyết xử lý nghiêm minh mọi trường hợp làm giả hồ sơ người có công để trục lợi chính sách
01:49 PM 23/02/2017
(LĐXH) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) và giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng ngày 23/02/2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị

Tham dự hội nghị còn có đồng chí Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chuyên gia cao cấp của Bộ trưởng, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng Trung ương; đồng chí Lê Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; đại diện Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ kế hoạch – Tài chính, Cục Người có công, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc Bộ LĐTBXH cùng lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ vào cuộc quyết liệt giải quyết cơ bản hơn 5.000 hồ sơ người có công còn tồn đọng (bao gồm hồ sơ liệt sỹ, người hưởng chính sách như thương binh) và xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ. Việc xem xét, xác nhận hồ sơ người có công với cách mạng mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đó không chỉ là việc thực hiện đúng chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn giải tỏa, mang lại danh dự cho cả một dòng họ, khi người thân của liệt sỹ đã chờ đợi quá lâu... Thực tế việc giải quyết cũng gặp rất nhiều khó khăn, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau. Đồng thời, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh và thích đáng đối với những trường hợp làm giả hồ sơ người có công để trục lợi chính sách.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Bộ trưởng cũng cho biết, Hội nghị hôm nay là nhằm nghe các địa phương nêu lên các vướng mắc, khó khăn và giải pháp cũng như các quy trình trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng  người có công và đưa ra các ý kiến đề xuất kiến nghị. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu các đại biểu cần làm rõ thế nào là hồ sơ tồn đọng, cũng như những kinh nghiệm trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng của các địa phương.  Đồng thời, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ ( 27/7/1947 – 27/7/2017).

Tại Hội nghị, ông Đào Ngọc Lợi – Phó cục trưởng Cục Người có công đã báo cáo kế hoạch, nội dung về việc Tổ chức thực hiện Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ ( 27/7/1947 – 27/7/2017).

Hội nghị cũng được nghe đ/c Huỳnh Văn Tí, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ – TBXH, Chuyên gia cao cấp của Bộ, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng Trung ương báo cáo kết quả thực hiện thí điểm hồ sơ người có công tồn đọng tại 05 tỉnh, thành phố: Lai Châu, Bắc Cạn, Thái Bình, Long An và Đà Nẵng.

Về thực trạng hồ sơ tồn đọng của 5 tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm có 428 hồ sơ tồn đọng (126 hồ sơ liệt sĩ, 302 hồ sơ thương binh), trong đó tỉnh Lai Châu tồn đọng 02 hồ sơ liệt sĩ, Bắc Cạn 07 hồ sơ liệt sĩ, Thái Bình 370 hồ sơ (88 hồ sơ liệt sĩ, 282 hồ sơ thương binh), Đà Nẵng 15 hồ sơ (05 hồ sơ liệt sĩ, 10 hồ sơ thương binh), Long An 34 hồ sơ (28 hồ sơ liệt sĩ, 8 hồ sơ thương binh). Qua rà soát lại hồ sơ tại 5 tỉnh nêu trên, Tổ công tác đã trực tiếp về các địa phương để nắm bắt tình hình, rà soát hồ sơ, hướng dẫn thiết lập, xác minh từng hồ sơ.

Đ/c Huỳnh Văn Tí phát biểu tại Hội nghị

Qua đó đã kết luận cụ thể về số lượng hồ sơ tồn đọng của các địa phương như sau:

Tại tỉnh Lai Châu, qua kiểm tra, rà soát số hồ sơ tồn tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ công tác đã xác định số hồ sơ này không phải là hồ sơ tồn đọng, mà là những hồ sơ được xác lập theo quy định hiện hành, cụ thể là: 02 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh; 05 hồ sơ đề nghị xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 64 hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đối với thanh niên xung phong, trong đó có 38 hồ sơ hưởng chế độ theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ; 23 hồ sơ hưởng chế độ theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015; 03 hồ sơ không thuộc lực lượng thanh niên xung phong. Tổ công tác đã hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ để xác nhận theo quy định đã được phân cấp.

Tại tỉnh Bắc Cạn: Qua kiểm tra, rà soát số hồ sơ tồn tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổ công tác đã xác định số hồ sơ này không phải là hồ sơ tồn đọng, mà là những hồ sơ được xác lập theo quy định hiện hành, cụ thể là:  07 hồ sơ xác nhận liệt sĩ; 01 hồ sơ xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tổ công tác đã hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ để xác nhận theo quy định đã được phân cấp.

Tại tỉnh Thái Bình: Thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận liệt sĩ tại huyện Hưng Hà. Tổng số hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ 24, Tổ công tác và Ban Chỉ đạo tỉnh đã họp thống nhất: 01 hồ sơ thuộc diện giải quyết theo quy định hiện hành (Thông tư liên tịch số 28/2013 ngày 22/10/2013),  23 hồ sơ được lập theo Kế hoạch, 611 và người làm chứng, đề nghị hoàn thiện các bước theo Quy trình.

Thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh tại huyện Quỳnh Phụ: Tổng số hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh là 24. Tổ công tác và Ban Chỉ đạo tỉnh đã thống nhất: 24 hồ sơ được lập theo diện người làm chứng. Tuy nhiên, căn cứ để xác lập hồ sơ có nhiều điểm không xác thực, mâu thuẫn, cần xác minh lại về lời khai của người làm chứng, về nhật ký chiến đấu của huyện đội Quỳnh Phụ…Do vậy cần phái tiếp tục làm rõ và chưa thể xem xét giải quyết trong đợt này.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Long An báo cáo về tình hình giải quyết hồ sơ tồn đọng

Tại  Thành phố Đà Nẵng: Tổng số hồ sơ tồn đọng là 15 Hồ sơ, trong đó có 5 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ, 10 Hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Tổ công tác và Ban chỉ đạo tỉnh đã họp thống nhất:  05 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ được lập theo diện người làm chứng đề nghị hoàn thiện các bước theo Quy trình.  09 hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được lập theo diện người làm chứng đề nghị hoàn thiện các bước theo Quy trình.  01 hồ sơ có ý kiến chưa đồng thuận đề nghị tiếp tục xác minh.

Còn tại Tỉnh Long An: Tổng số hồ sơ tồn đọng là: 09 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Tổ công tác và Ban chỉ đạo tỉnh đã họp thống nhất:  08 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ được lập theo diện người làm chứng đề nghị hoàn thiện các bước theo Quy trình. 01 hồ sơ chưa đủ cơ sở để xem xét, đề nghị tiếp tục bổ sung để có thể xem xét ở đợt sau.

Theo đánh giá : Việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đã mang lại cho người có công và gia đình người có công niềm động viên lớn sau bao năm mong mỏi, đợi chờ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người đã có quá trình hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc.

Việc triển khai giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với liệt sĩ, và thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, tuy diễn ra trong một thời gian ngắn; song, nhìn chung các tỉnh, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai khá cụ thể, xác định rõ các bước, các công việc phải làm và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

Nhiều hồ sơ tồn đọng khá lâu, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau; có nơi như Long An phải thu thập thêm thông tin từ Ban Liên lạc tù Phú Quốc hoặc mời tất cả các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ các thời kỳ cùng với các đồng chí lão thành cách mạng để lắng nghe ý kiến trước khi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh họp xét, đề nghị. Những trường hợp hồ sơ còn có những điểm mâu thuẫn hoặc chưa rõ, hoặc thiếu cơ sở vững chắc… đều được các địa phương tổ chức xác minh làm rõ và có kết luận cụ thể.

Tổ công tác của Trung ương đã liên tục bám sát, nắm chắc tình hình, hướng dẫn cụ thể và cùng với địa phương xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc đặt ra.

Quá trình xem xét được diễn ra chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm chấp hành các bước theo đúng kế hoạch của Cục Người có công và hướng dẫn của Tổ công tác Trung ương.

Tất cả các trường hợp mà Ban chỉ đạo các tỉnh đã thông qua để trình Tổ công tác thẩm định trình Lãnh đạo Bộ đều qua các bước công khai dưới các hình thức, không có trường hợp nào có ý kiến khác của cán bộ, đảng viên và nhân dân và đều được 100% thành viên Hội đồng xét duyệt chính sách cấp xã, huyện và Ban chỉ đạo cấp tỉnh thống nhất. Do vậy, đến cuối tháng 11/2016, nhìn chung các tỉnh, thành phố được chọn làm thí điểm việc xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đ/c Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM báo cáo tại Hội nghị

Tuy nhiên, việc xác lập hồ sơ ở các địa phương nói chung vẫn còn có trường hợp chưa thật chặt chẽ, cơ sở chưa thật vững chắc, thiếu chuẩn xác, chất lượng hồ sơ chưa bảo đảm, vẫn còn biểu hiện tập trung nhiều vào thủ tục hành chính, chưa coi trọng đúng mức đến việc đánh giá các yếu tố thể hiện trong hồ sơ. Cá biệt ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, việc xác lập hồ sơ để đề nghị công nhận 24 trường hợp người hưởng chính sách như thương binh còn mâu thuẫn giữa lời trình bày với nội dung xác nhận của ngay người làm chứng, nhưng Hội đồng xét duyệt chính sách từ xã đến huyện đều thống nhất thông qua.

Sự quan tâm của cấp uỷ và chính quyền có nơi, có lúc chưa thật đúng mức, vẫn còn có biểu hiện giao khoán cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Việc duy trì định kỳ họp Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo tình hình và cho ý kiến chưa tiến hành thường xuyên, nên một số vướng mắc trong quá trình triển khai chưa được cấp tỉnh chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời.

Đ/c Huỳnh Văn Tí cũng đề nghị các địa phương khi giải quyết hồ sơ tồn đọng cần xem xét các bước chặt chẽ, chính xác và sáng tạo, linh hoạt, thận trọng và vận dụng nhiều giải pháp làm sao thấu lý và đạt tình. Trách nhiệm của người làm công tác chính sách đặc biệt là phải dựa vào nhân dân, dựa vào các bậc lão thành cách mạng để khai thác nhiều nguồn thông tin làm cơ sở đề xuất, kiến nghị trong việc giải quyết hồ sơ cho đối tượng chính sách một cách hiệu quả.

Các đại biểu trao đổi với Bộ trưởng bên lề hội nghị

Tại Hội nghị các đại biểu cũng được nghe 12 ý kiến của các đại biểu đến từ các tỉnh như: Long An, Đà Nẵng, TPHCM, Quảng Ngãi, Quảng Nam, An Giang, Bạc Liêu, đại diện Bộ Quốc phòng… chia sẻ nhiều kinh nghiệm cũng như nêu lên những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và các ý kiến đề xuất các giải pháp trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng về đối tượng người có công hiện nay. Nhiều đại biểu đã chia sẻ một cách thẳng thắn rằng trước đây chưa nắm rõ như thế nào là hồ sơ tồn đọng, và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng mất nhiều thời gia nhưng không hiệu quả. Một số đại biểu cũng chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương trong việc vận dụng nhiều giải pháp để giải quyết hồ sơ tồn đọng cũng như các kinh nghiệm giải quyết hồ sơ cho đối tượng chính sách thường xuyên. Qua nhiều ý kiến của các địa phương đã được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải đáp một cách thấu đáo. Qua đó, các địa phương, đặc biệt là những người làm công tác chính sách đã nắm rõ về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng, phân biệt được như thế nào là loại hồ sơ tồn đọng và hồ sơ thường xuyên trong việc giải quyết hồ sơ tồn động đối với người có công.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, với tinh thần xác định năm 2017 là năm “Đền ơn đáp nghĩa”, toàn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động với quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra và nhiệm vụ Chính phủ giao. Liên quan đến công tác giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, Bộ trưởng nêu rõ: “việc giải quyết hồ sơ tồn đọng là trách nhiệm của ngành, phải thực hiện việc giải quyết với tinh thần cao nhất trên cơ sở thay đổi nhận thức trong cách giải quyết hồ sơ, đây là lương tâm, ý thức, trách nhiệm của thế hệ đi sau đối với các thế hệ đi trước đã hy sinh vì đất nước” Bộ trưởng nhấn mạnh. Ngay sau Hội nghị này, các địa phương tập trung xử lý các hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh, trước mắt khoanh vùng vào các hồ sơ thuộc Bộ LĐ - TB&XH và Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý. Trong quá trình thực hiện, phải đặc biệt coi trọng các bước xác minh ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn - đây là khâu hết sức quan trọng, phải thực hiện tốt khâu công khai, dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là các đồng chí lão thành cách mạng, những người đã từng tham gia kháng chiến... song song đó, phải kiên quyết và xử lý nghiêm minh đối với những trường hợp lợi dụng chính sách để làm giả hồ sơ nhằm trục lợi, nếu phát hiện đề nghị Cơ quan công an vào cuộc để điều tra, khởi tố để đảm bảo công bằng cho những người đã hy sinh xương máu vì đất nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Liên quan đến Kế hoạch kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị toàn ngành phải đầy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua thiết thực nhằm tri ân người có công với cách mạng, hướng đến “cả xã hội tri ân người có công với cách mạng” với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ -TB&XH cũng đã trình Trung ương Đảng và Chính phủ cho ý kiến về dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư  về việc Tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc gia đình người có công với cách mạng và Kế hoạch tổ chức cấp Quốc gia Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Đây là sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2017. Theo kế hoạch dự kiến, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức theo cấp Quốc gia do Trung ương Đảng, Quốc hội,  Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trực tiếp chủ trì. Bên cạnh đó là các sự kiện: tổ chức 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị…; biểu dương và tri ân 700 đại biểu là người có công toàn quốc; thắp nến tri ân và dâng hương tưởng niệm tại hơn 9.000 nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước…

Hoàng Cảnh - Phạm Thắng