Lao động
Kiên Giang: 6 tháng đầu năm 2020 có 9.133 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
11:20 AM 03/08/2020
(LĐXH) - Từ đầu năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn quốc đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội trên toàn quốc nói chung và ở Kiên Giang nói riêng. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn từ Cục Việc làm tương đối đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng được yêu cầu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chi bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều lao động đến tìm hiểu thông tin về tư vấn dạy nghề và dịch vụ việc làm...
Hiện tổng số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ở Kiên Giang có 4.286 đơn vị, trong đó có 2.938 cơ sở thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (1.345  doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Tổng số người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc là 88.906 người, trong đó có 80.520 người đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp...
Theo thống kê trong 6 tháng đầu năm 2020 tại tỉnh Kiên Giang có 9.133 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 8.011 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 66 người bị hủy quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 53 trường hợp chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đi địa phương khác, 22 người tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp... Ngoài ra, có 2 trường hợp được hỗ trợ học nghề, 12.439 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm... Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trên 102 tỷ đồng, trong đó có 39 triệu hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề...
Với chức năng, nhiệm vụ là tham mưu cho lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về các lĩnh vực tư vấn dịch vụ việc làm, dạy nghề, chính sách BHTN...,  trong thời gian tới Trung tâm Dịch vụ Việc làm Kiên Giang sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền trong quá trình thực thi nhiệm vụ trên một số phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với các cơ quan liên quan như Phòng Việc làm – Lao động và Giáo dục nghề nghiệp trong công tác triển khai thực hiện chính sách BHTN, kiểm tra người lao động có việc làm nhưng không khai báo đúng sự thật; Phối hợp với BHXH tỉnh về việc kết nối dữ liệu thu BHXH để kịp thời phát hiện lao động có việc làm... Với mục đích không ngừng nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả, giúp các bên nắm rõ hơn nữa về quyền lợi khi tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
...cũng như các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp
Qua khảo sát, có thể dễ dàng nhận thấy số lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Kiên Giang tăng đột biến trong những tháng gần đây, tác động trực tiếp đến nhu cầu lao động và tuyển dụng việc làm trên địa bàn tỉnh… Về nhận định trong thời gian tới nhiều khả năng việc cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực may mặc, giày da, dich vụ du lịch (nhà hàng khách sạn) các ngành công nghiệp khác như chế biến gỗ, xây dựng... vẫn còn, do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, không chỉ ảnh hưởng tức thời mà sẽ còn “dư chấn” về sau. Chính vì vậy việc chuẩn bị “hành trang” cùng tinh thần “quyết tâm vượt khó” luôn được tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Kiên Giang quán triệt và sẵn sàng nhận nhiệm vụ…
NHB