Xã hội
Kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em
04:56 PM 06/12/2021
LĐXH - Tại Việt Nam, WHO thống kê tại nạn thương tích ở trẻ em là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là do đuối nước và tai nạn giao thông. Trong 5 năm qua, tình hình trẻ em mắc và tử vong do tai nạn thương tích đều giảm.

Theo WHO, tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi năm trên thế giới có khoảng 465.302 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, mỗi ngày có 1.275 trẻ em bị tử vong. Theo đó, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 5-14 tuổi. Phần lớn các trường hợp tử vong do TNTT trẻ em xảy ra tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, mỗi năm thế giới có hàng chục triệu trẻ em khác bị chấn thương phải điều trị tại bệnh viện và thường để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe, tâm lý, thậm chí là khuyết tật suốt đời. Trong nhiều thập kỷ qua, phòng, chống TNTT cho trẻ em nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư với cam kết chính trị mạnh mẽ của nhiều quốc gia, với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, do đó, đạt được nhiều thành công đáng kể.

Tại Việt Nam, WHO thống kê TNTT ở trẻ em là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm. Nguyên nhân tử vong hàng đầu là do đuối nước và tai nạn giao thông. Trong 5 năm qua, tình hình trẻ em mắc và tử vong do tai nạn thương tích đều giảm. "Tỉ lệ tử vong do tai nạn, thương tích tại Việt Nam tương đương các nước thu nhập trung bình và trong khu vực, nhưng vẫn cao hơn gấp 3 lần so với các nước thu nhập cao", báo cáo nhận định.

Dạy trẻ kỹ năng bơi phòng chống đuối nước

Chính vì thế, công tác phòng, chống TNTT trẻ em luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống TNTT trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quốc gia về trẻ em đã ban hành các văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, vai trò của gia đình trong việc tăng cường trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống TNTT trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè và mùa mưa, bão, lũ.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Với sự quyết tâm của các cơ quan Trung ương, chính quyền các địa phương, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, các tổ chức, mỗi gia đình, toàn xã hội và cả chính các em, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế sẽ mang đến cho trẻ em Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, một môi trường sống an toàn, lành mạnh và ngày càng có thêm nhiều cơ hội để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Công tác phòng chống TNTT trẻ em đã có nhiều kết quả tích cực: Tỷ suất mắc tai nạn thương tích TNTT trẻ em giảm từ 1.001/100.000 trẻ em (năm 2016) xuống còn 600/100.000 trẻ em (năm 2020); tỷ suất trẻ em tử vong do TNTT đã giảm từ 19,7/100.000 trẻ em (năm 2016) xuống còn 17/100.000 trẻ em (năm 2020); số trẻ em bị tử vong do đuối nước giảm trung bình 100 trẻ em mỗi năm. Đồng thời, 90% trẻ em mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 90% trẻ em tiểu học và trung học cơ sở biết các quy định an toàn giao thông đường bộ; 50,3% trẻ em tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Đảm bảo an toàn khi cho trẻ tham gia lưu thông trên đường

Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu tổng quát: Kiểm soát tình hình TNTT trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Đây là nền tảng rất quan trọng để Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu TNTT ở trẻ em trong thập kỷ tới.

Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đưa ra 9 giải pháp thực hiện. Theo đó, tập trung tăng cường công tác thông tin tuyên truyền giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn thể xã hội. Hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng an toàn phòng, chống TNTT trẻ em. Nâng cao năng lực về phòng, chống TNTT trẻ em cho đội ngũ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành, đoàn thể. Hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống TNTT trẻ em. Xây dựng môi trường an toàn phòng, chống TNNT trẻ em.

Tăng cường công tác truyền thông trực tiếp về phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em

Các can thiệp phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do TNTT trẻ em, đặc biệt là các loại hình thương tích đặc thù và có tỉ lệ tử vong cao như đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, bỏng. Kiện toàn công tác về sơ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu tử vong, khuyết tật và tổn thất về sức khoẻ cho trẻ em. Tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng, người dân trong thực hiện Chương trình. Thanh tra, kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện Chương trình.

Trong giai đoạn 2021-2030, các Bộ, ngành, đoàn thể và các tổ chức chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp với thực tiễn để hoàn thành các mục tiêu của chương trình, chú trọng các can thiệp toàn diện, đa ngành, tạo môi trường an toàn cho trẻ em; chỉ đạo ngành dọc, cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trần Huyền