Xã hội
Khuyến khích phụ nữ tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế
02:57 PM 17/03/2023
(LĐXH)- Sáng 17/03, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến khởi động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01), phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939).
Đồng chí Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương  Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì và chỉ đạo Hội nghị.
Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 01/QĐ TTg ngày 03/01/2023.
Đây là đề án đầu tiên về phát triển kinh tế tập thể với đặc thù riêng cho giới nữ nhằm đóng góp vào việc thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hỗ trợ các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể; kết hợp lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác có liên quan.
Các đại biểu bấm nút phát động Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023
Mục tiêu cụ thể của Đề án được xác định: Đến năm 2025, phấn đấu củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 750 HTX, 5.000 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành đã được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 15.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 40.000 lao động nữ trong tổ hợp tác. 
100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể. 
Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 200 HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động HTX là nữ); tạo việc làm mới cho 4.000 lao động nữ. Tập huấn 100% cán bộ Hội làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; ít nhất  80% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển KTTT.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu củng cố, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 1.500 HTX, 10.000 tổ hợp tác được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Tạo việc làm ổn định cho 30.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 100.000 lao động nữ trong tổ hợp tác.
100% nữ quản lý của HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị, điều hành phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể. 
Tư vấn, hỗ trợ thành lập mới 750 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ. Tập huấn 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; ít nhất 90% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể. 
Đối tượng thực hiện là những HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành;  HTX tạo nhiều việc làm cho lao động nữ (trên 50% lao động là nữ); phát huy ngành nghề truyền thống, khôi phục văn hóa, khai thác tài nguyên bản địa…; nữ quản lý, điều hành HTX, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế thị trường. Thời gian thực hiện của Đề án từ 2023 đến năm 2030. 
Đồng chí Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Hội nghị được tổ chức nhằm kịp thời triển khai Đề án, thống nhất nhận thức và trách nhiệm của các cấp Hội, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương trong thực hiện Đề án.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, Hội LHPN Việt Nam luôn xác định ngoài việc phát huy những kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua, các cấp Hội cần đặt quyết tâm chính trị cao hơn nữa, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền các cấp ngay từ khâu quán triệt, triển khai nhằm tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, của nhân dân, hội viên, phụ nữ và toàn xã hội.
Các giải pháp này không chỉ là để thực hiện thành công Đề án, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, mà còn có ý nghĩa quan trọng để giúp phụ nữ tham gia một cách chủ động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa" là hoạt động thường niên trong khuôn khổ Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ tích cực tham gia khởi nghiệp; khởi sự kinh doanh; các tổ hợp tác/hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm phát huy tài nguyên bản địa và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của từng địa phương. Cuộc thi diễn ra từ ngày 17/3 đến tháng 9/2023.
Đối tượng của cuộc thi ưu tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là  người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng  đồng, các nữ vận động viên chuẩn bị giải nghệ… giúp phụ nữ tự tin, mạnh dạn tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tạo tác động xã hội, góp phần phát triển kinh  tế cho cá nhân, gia đình và đất nước.  
Thông qua cuộc thi, sẽ lựa chọn, hỗ trợ các dự án tiềm năng, khả thi để hiện thực hóa góp phần thúc đẩy, thành lập mới, phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự thi. Đồng thời, phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để bồi dưỡng thành các gương điển hình về khởi nghiệp thành công để tôn vinh và lan tỏa trong cộng đồng; bổ sung số lượng vào đội ngũ doanh nhân nữ của địa phương, của đất nước; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới./.
Hồng Minh