Xã hội
Khúc hát sinh ly từ biệt
02:14 PM 11/10/2018
(LĐXH)- Tác phẩm dự thi “Viết về bình đẳng giới năm 2018” của tác giả Trần Thị Thùy Linh.
Tôi đã từng không muốn, thậm chí không dám đối mặt khi tận mắt chứng kiến hình ảnh ấy, thấu cảm câu chuyện ấy …bởi có lẽ tôi chỉ là một người phụ nữ sống đang trong một xã hội đầy rẫy những định kiến về bổn phận và trách nhiệm làm người.
Thế kỷ 21 mở ra cho chúng ta một cánh cửa mới, một tương lai xán lạn và một niềm hạnh phúc khôn tả về vai trò của người phụ nữ ngày một lớn mạnh, cộng đồng người chuyển giới ở Việt Nam đang dần chiếm vị thế cũng như tình cảm của toàn xã hội và bình đẳng giới không còn là một mơ ước quá xa vời. Ở những thành phố lớn, những trung tâm kinh tế, văn hóa, trên những tờ báo, tạp chí…đâu đâu chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp, tìm thấy hình ảnh những người phụ nữ độc lập, thành đạt không thua kém gì cánh mày râu, người ta không còn cảm thấy ngại ngùng khi ngợi ca vẻ đẹp của người chuyển giới, không ngừng trầm trồ, ngưỡng mộ tài năng của họ…
Nhưng, câu chuyện của tôi lại không bắt đầu từ chốn thị thành xa hoa mà nó khởi nguồn từ một vùng quê nghèo yên ả, nơi mà người ta chưa từng biết đến nữ doanh nhân Việt đầu tiên được vinh danh thế giới hay một người đẹp chuyển giới vừa đoạt vương miện làm rạng rỡ nước nhà và toàn cộng đồng LGBT… Nơi đây chỉ có cánh đồng lúa xạnh rì, mơn mởn trên nền trời trong veo, thăm thẳm, có mùi khói bếp, mùi rơm rạ hòa quyện với mùi đất và có Mây – một thiếu nữ thanh tú vừa độ tuổi đôi mươi, một nét đẹp thật là, thật tự nhiên, thôn quê…
Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông chị em gái, không biết tự bao giờ, ở Mây luôn tự ý thức mình phải thật đặc biệt và thật khác biệt so với “lũ vịt trời” vô dụng kia. Ở miền quê nghèo của Mây, người ta coi mười đứa con gái cộng lại chẳng thể bằng một cậu “quý tử” hay con gái là con người ta, nuôi nhiều chỉ tốn cơm tốn gạo… Có lẽ những thiệt thòi từ nhận thức đến cuộc sống đã thôi thúc Mây muốn thay đổi và cần thay đổi… vì lẽ gì đến giờ tôi vẫn không sao hiểu được. Một ngày cuối năm, gió đã thổi mạnh hơn, tán cây giờ trơ trụi lá, một vài tiếng chim dáo dác gọi nhau, một không gian thật âm u, lạnh lẽo trái ngược với ngôi nhà của Mây hôm ấy.
Ngày giỗ, người người ra vào tấp nập, kẻ khiêng nồi, người vác niêu, đám đàn ông ngồi chiếu trên cười cười nói nói rôm rả, rượu vào lời ra, say sưa túy lúy, đám đàn bà, con gái cắm mặt trong bếp, nấu nấu, rửa rửa… Bỗng từ nhà trên vang lên một giọng sang sảng: “Cái Mây đâu?” kèm theo đó là đôi mắt quắc thước đầy thăm dò. Một cảm giác bất an, thoáng chút sợ hãi, ngập ngừng, Mây đứng đó trước ánh nhìn chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống của dòng họ.
Sau vài giây im lặng là không ngớt những lời bàn tán, quở trách, tiếng cười tiếng khóc vang lên: “Con gái con lứa đầu tóc như thằng đàn ông”, “Xem nó vận cái gì thế này”, “Nó tưởng nó là đàn ông hả, ha ha ha”, “ Nhà này không biết dạy con”, “Không biết à, ở thành phố người ta gọi loại này là bê – đê ấy”… Không biết từ đâu, những giọt nước mắt lại thi nhau lăn dài trên má, trái tim Mây đau như xát muối, dồn hết sức lực xuống đôi chân, chạy và chạy khỏi đám đông đang chế giễu mình. Mây ngồi xuống bụi cỏ bên cánh đồng hoang vắng, ngửa mặt lên trời mà hỏi: “Tại sao lại sinh tôi ra thế này, tại sao???” Và không ai biết Mây nằm xuống miên man tự lúc nào… Sự kì thị của gia đình, họ hàng, xóm làng nơi Mây từng sinh ra, lớn lên, nơi gắn bó như máu thịt của mình, khiến Mây trờ nên yếu đuối hơn bao giờ hết, khi mà cả thế giới không chấp nhận bạn thì ranh giới giữa sinh tử thật mong manh. Cuộc đời của Mây đẹp lắm, tựa như áng mây trôi trên bầu trời cao xanh, Mây đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người.
“Và xin quý vị cùng dành một tràng vỗ tay thật nồng nhiệt, chào đón nam ca sĩ Vũ Mây”… “Xin anh cho biết vì sao không lấy một nghệ danh khác mà lại dùng tên thật của mình”, “Anh vui lòng chia sẻ những khó khăn trong quá trình chuyển giới”, “Chi phí phẫu thuật đã lên tới hàng trăm triệu phải không ạ”, “Lý do vì sao anh lại chịu về biểu diễn ở đây”, “Anh có suy nghĩ gì về ngôi sao chuyển giới A mới nổi danh…” Cánh phóng viên địa phương, thậm chí từ những tòa soạn báo danh tiếng, đài truyền hình thành phố chen lấn không buông tha, chàng ca sĩ nổi tiếng – người đầu tiên chịu đầu tư một buổi ca nhạc miễn phí ở vùng quê nghèo này. Chàng trai chỉ cười, từ chối mọi câu hỏi tới khi xuất hiện trên sân khấu. Một vẻ đẹp thật lạ, thật sáng, đám đông reo hò, cổ vũ, dân làng bế con ùa đến từ sớm, nghe danh ca sĩ trẻ tài năng từ thủ đô về trình diễn trong đó có cả bố mẹ, họ hàng và những người thân… Không ai nhận ra Mây, họ nhìn chàng trai với vẻ ngoài thật ngưỡng mộ và đầy ao ước cho đến khi kết thúc chương trình.
“Có lẽ, đã lâu lắm rồi, không ai còn nhận ra con, một người con gắn bó máu thịt với mảnh đất này, một người có lẽ ai cũng nghĩ đã không còn trên cõi đời này nữa. Con vẫn luôn dành sự biết ơn đến bố mẹ người đã cho được sinh ra và từ lúc có thể tự nhận thức con đã thấy bản thân thực sự khác biệt. Suốt ba năm qua, con mải miết tìm lại chính mình, theo đuổi niềm đam mê, ước mơ… Con là Mây, là đứa con trai chuyển giới của bố mẹ…”
Nước mắt, niềm vui, những cái ôm, ngày trở về… “Và điều mà Mây muốn nói với tất cả mọi người, chúng ta hãy sống thật với chính mình, hãy mở rộng vòng tay đón nhận những đứa con khác biệt, đừng để đến lúc sinh ly tử biệt rồi mới chấp nhận, hãy cho người chuyển giới được sống đúng với những gì họ có…Mong rằng công tác tuyên truyền bình đẳng giới ở những vùng quê, địa phương sẽ tích cực, phát triển hơn và cộng đồng người chuyển giới nói riêng sẽ có một môi trường lành mạnh để khẳng định khả năng cũng như tài năng của bản thân…”
Hành trình Mây đi qua với biết bao chông gai, nước mắt và có mấy ai từng đối mặt giữa ranh giới sinh – tử để có thể hiểu được khát khao, ước muốn của chàng trai dũng cảm này. Nếu không có nghị lực nghĩ khác làm khác, có lẽ Mây đã thực sự không còn trên cõi này này nữa, và cũng không thể có mặt ở đây để đem đến lối thoát tích cực cho những người như Mây.
Tôi đã từng không muốn viết bởi tôi không muốn Mây phải đau, phải dằn vặt với những gì đã trải qua, tôi thậm chí không dám đối mặt khi chứng kiến em phải gồng mình chống chọi với nỗi cô đơn, kì thị của những ngày đầu tiên chật vật kiếm miếng cơm manh áo, những lần đối mặt với tử thần trong cơn thập tử nhất sinh để được trở về với đúng hình hài của mình rồi vật vã trong nỗi nhớ quê hương, người thân…
Chỉ mong rằng, tôi cũng như các bạn biết chấp nhận và coi trọng sự khác biệt của mỗi người, đừng vì những phán xét của cá nhân hay cộng đồng mà đẩy người khác vào cảnh sinh ly tử biệt, mỗi con người sinh ra đều được quyền sống, yêu thương và bao dung… Biết bao những khó khăn, thử thách đã đi qua và giờ đây Mây hãy ngẩng cao đầu và tự hào rằng: “Vâng tôi là người chuyển giới”.
“Bình đẳng giới” có lẽ là một cụm từ khá mơ hồ và đầy hoài nghi trong xã hội chúng ta, đặc biệt là những vùng quê, miền núi – nơi khó có điều kiện tiếp xúc với truyền thông cũng như tư tưởng tiến bộ hiện nay. Tôi mong rằng, mỗi người chúng ta hãy nhận thức một cách nghiêm túc, hoàn thiện bản thân, ý thức được vai trò của mình trong xã hội, nhìn nhận đóng góp của những cá nhân, giới tính khác để xây dựng một đất nước hòa bình và hạnh phúc.Và bình đẳng giới sẽ không còn là một câu chuyện quá xa xôi./.
Trần Thị Thùy Linh (Giáo viên, TP Hồ Chí Minh)