Sức khỏe - Đời sống
Khởi động Chương trình sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam
03:08 PM 19/06/2019
(LĐXH) Chương trình hợp tác giữa Tổ chức Plan International tại Việt Nam và AstraZeneca Việt Nam nhằm phòng chống bệnh không lây nhiễm cho giới trẻ
- Chương trình đồng hành cùng các ưu tiên của Chính phủ về phòng chống bệnh không lây nhiễm
Ngày 19/6/2019, Tổ chức Plan International Việt Nam và Công ty AstraZeneca Việt Nam tổ chức lễ khởi động Chương trình sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam (gọi tắt là YHP Vietnam).
Chương trình được phối hợp triển khai thực hiện với 2 đối tác là Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương (gọi tắt là NYC) và Trung tâm phòng chống bệnh tật Hà Nội (gọi tắt là HNCDC). Đây là chương trình đầu tư cộng đồng toàn cầu do tập đoàn AstraZeneca khởi xướng tập trung vào nhóm đối tượng thanh thiếu niên và các hoạt động dự phòng các bệnh không lây nhiễm (BKLN) phổ biến như: các bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch, phổi mãn tính.
Tại Việt Nam hiện nay, thanh thiếu niên chiếm 1/3 dân số cả nước, tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay. Đây chính là cơ hội phát triển cả về kinh tế và xã hội cho đất nước. Đây cũng là độ tuổi vô cùng quan trọng trong việc can thiệp nhằm giảm nguy cơ mắc các BKLN và tăng cường sức khỏe trong suốt các giai đoạn đời sống. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do các BKLN chiếm tới 77% (424.000 ca). Bệnh nhân, gia đình và hệ thống y tế phải trả chi phí lớn để điều trị các BKLN.
Ký kết phối hợp thực hiện các hoạt động
phòng chống bệnh không lây nhiễm cho giới trẻ
Trước vấn đề này, bà Sharon Kane, giám đốc quốc gia tổ chức Plan International Việt Nam chia sẻ, “Chúng ta cần chú ý đến sự trưởng thành và phát triển của giới trẻ bởi đây là giai đoạn mà mọi quyết định, thói quen và định hướng có thể dẫn đến hậu quả và tác động lâu dài đến nhiều thế hệ. Con số ½ những trường hợp tử vong liên quan đến các BKLN là do những hành vi không lành mạnh, bao gồm ăn uống không lành mạnh, hút và hít phải khói thuốc, thiếu vận động thể chất, sử dụng rượu bia hình thành từ giai đoạn thanh thiếu niên quả thực khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy đau lòng”.
Song hành cùng Chương trình Sức khỏe Việt Nam ưu tiên phòng chống các BKLN (2018-2030), Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên được thực hiện trong 3 năm, hướng đến góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là nhóm tuổi từ 10-24 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Mục tiêu cụ thể của chương trình nhằm đảm bảo giới trẻ ở Hà Nội được giáo dục nâng cao nhận thức về những hành vi nguy cơ và những biện pháp phòng tránh các BKLN để giúp họ có năng lực đưa ra những quyết định đúng đắn đối với sức khỏe của mình trong bối cảnh các dịch vụ y tế cũng được cải thiện, hệ thống y tế và môi trường chính sách thuận lợi.
Toàn cảnh Lễ khởi động Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên
Trên phạm vi toàn cầu, bắt đầu từ năm 2010, Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên đã tiếp cận tới hơn 3 triệu thanh niên ở trên 24 quốc gia thuộc 6 châu lục.
Ông Nitin Kapoor, Tổng Giám đốc AstraZeneca tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào vì Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 24 trên toàn cầu và thứ 3 tại châu Á được triển khai Chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên. Chúng tôi rất vui mừng khi kết hợp cùng tổ chức Plan International mang chương trình này đến Việt Nam. Đây là một ví dụ điển hình thể hiện cam kết lâu dài của chúng tôi là đồng hành cùng các ưu tiên của Chính phủ và chung tay triển khai Chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2018-2030 vừa được Chính phủ phát động đầu năm nay. Chúng ta sẽ cùng nhau hướng đến đóng góp cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn.”
Tại Việt Nam, chương trình dự kiến sẽ trực tiếp mang lại các kiến thức kỹ năng liên quan đến dự phòng các BKLN cho hơn 46.000 thanh thiếu niên tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học và thanh niên trong các khu công nghiệp. Bên cạnh đó một cách gián tiếp, chương trình cũng đặt mục tiêu cung cấp thông tin đến thêm 100,000 người thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Thảo Lan