Xã hội
Khó khăn trong thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở Hà Nội
09:54 AM 02/01/2019
(LĐXH)- Hành lang pháp lý để nhân viên CTXH thực thi nhiệm vụ trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội vẫn là “khoảng trống” cần được quan tâm hoàn thiện.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Hà Nội cho biết, tính đến cuối năm 2018, Trung tâm CTXH thành phố đã tiếp nhận thông tin và hỗ trợ trên 230 trường hợp cần sự bảo vệ khẩn cấp, người già bị lạc đường, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị lạc đường.... Người lang thang có biểu hiện rối loạn nhận thức, hành vi 23 trường hợp, còn lại là đối tượng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, nạn nhân của bạo lực gia đình... Trung tâm đã hoàn tất thủ tục hồ sơ cho 72 đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, 62 đối tượng có quyết định nuôi dưỡng dài hạn tại các Trung tâm  Bảo trợ xã hội thuộc Sở.
Trung tâm đã tiếp nhận, quản lý trên 1.300 trường hợp với 1.357 đối tượng, thực hiện tư vấn tham vấn 8307 lượt, trong đó gồm có các đối tượng trẻ em, người khuyết tật, nạn nhân bị bạo lực gia đình. Trong đó, đối tượng được trợ giúp nhiều nhất là trẻ em với số lượng là 890 trường hợp, chiếm tỷ lệ 67,6%. Tiếp nhận, quản lý 87 trường hợp người khuyết tật, tư vấn về thủ tục chính sách, tư vấn tâm lý, quản lý 07 trường hợp có nguyện vọng được hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe, y tế, phục hồi chức năng, lắp chân giả, việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ phương tiện đi lại...
Nhân viên CTXH thực hành chăm sóc người khuyết tật (Ảnh minh họa)
Năm 2017 thực hiện tư vấn, quản lý 20 trường hợp người khuyết tật vận động về các nội dung chính sách, việc làm, nhà ở.... Năm 2018 Trung tâm tiếp tục theo dõi, tư vấn cho các trường hợp chuyển sang từ năm 2017. Đã tư vấn, tham vấn cho 108 trường hợp nạn nhân bị bạo lực gia đình, trong đó có 80 trường hợp nạn nhân là trẻ em, ngoài ra là đối tượng phụ nữ, người cao tuổi…
Qua quá trình tổ chức các hoạt động cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội tại cộng đồng cho thấy nghề CTXH có vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng lực tự giải quyết các nhu cầu phục vụ cuộc sống cho cá nhân, gia đình, cộng đồng. Đồng thời còn giúp cho người dân chủ động trong việc kết nối nguồn lực xã hội như: tiếp cận cơ chế, chính sách nhà nước và các chính sách riêng có của địa phương để tự nâng cao khả năng nội lực và giải quyết vấn đề của mình, đây chính là bản chất của nghề CTXH.
Mặt khác, qua đó người dân cũng có cơ hội tham gia ý kiến vào việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội phù hợp với thực tế. Đây chính là sự khác biệt giữa hoạt động từ thiện với hoạt động trợ giúp xã hội của cán bộ làm nghề CTXH vì để thực hiện hoạt động từ thiện, cá nhân, tổ chức chỉ cần có nguồn lực về vật chất và tấm lòng từ thiện là thực hiện được, còn để hành nghề CTXH có hiệu quả thì phải có  kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp thì mới khơi dậy được khả năng “nội lực” của mỗi cá nhân, cộng đồng, kết hợp với sự trợ giúp của hệ thống chính sách an sinh xã hội thì sẽ tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững cho cá nhân, gia đình, cộng đồng.   
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Minh, thực tế hiện nay khi nhân viên CTXH cung cấp các dịch vụ xã hội tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đối tượng cần sự  trợ giúp như: trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân bị bạo lực… Căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng, nhân viên CTXH muốn được các cấp chính quyền hỗ trợ  “tạm cách ly đối tượng bị bạo lực hoặc bị xâm hại” ra khỏi môi trường sống của họ để bảo đảm an toàn tính mạng cho nạn nhân nhưng không thực hiện được do không có quy định trong pháp luật.
Hiện nay trong Hiến pháp, Luật, Nghị định, Thông tư... cũng đã có những quy định liên quan đến CTXH, nhưng các văn bản đó chưa xác định rõ vị trí, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa của người làm CTXH, có nghĩa là hành lang pháp lý để nhân viên CTXH thực thi nhiệm vụ trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội vẫn là “khoảng trống” cần được quan tâm hoàn thiện. Bên cạnh đó, hiện nay nhà nước cũng chưa có văn bản quy định về trách nhiệm của các  cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội như: công an, y tế, giáo dục, các đoàn thể quần chúng , tổ chức, cá nhân trong quá trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp các đối tượng xã hội tại cộng đồng.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ CTXH của người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế rất đa dạng và phong phú, nhưng do thói quen và chưa nhận thức đầy đủ về các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn, vì vậy cần phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH.
Nghề CTXH còn mới mẻ tại Việt Nam, do đó nhận thức của cộng đồng, người dân, thậm chí một số cán bộ quản lý ở cơ sở chưa đầy đủ nên sự phối hợp, cộng tác trong quá trình trợ giúp xã hội, đặc biệt là các trường hợp can thiệp hỗ trợ khẩn cấp có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, đồng bộ.  
Ông Nguyễn Ngọc Minh kiến nghị: “Trong thời gian triển khai thực hiện Quyết định 32, nhân viên CTXH chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ  các  nhiệm vụ theo chức năng của nghề CTXH, vì các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH  hiện nay mới chỉ là các văn bản dưới luật, có giá trị pháp lý tương đối thấp, do đó vai trò, vị trí của nhân viên CTXH chưa được quy định trong Luật CTXH, đây là sự  bất cập cần được “thay đổi” cho phù hợp với  xu thế hội nhập quốc tế.
Hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng Dự thảo Luật công tác xã hội gồm 8 chương và 92 điều, trên cơ sở  tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã có Luật Công tác xã hội như: Anh, Hồng Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thụy Điển, Canada, Mỹ…, đồng thời tổ chức các Hội thảo báo cáo đánh giá tác động Luật CTXH, tiếp thu các khuyến nghị của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện dự thảo Luật trình các cơ quan chức năng thẩm định, cho ý kiến, hoàn thiện.
Đây là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0, góp phần thực hiện có hiệu quả điều 34 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”./.
Hồng Minh