Giáo dục - Nghề nghiệp
Khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và một số kiến nghị
09:46 AM 30/07/2020
(LĐXH) - Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), trong hơn 10 năm qua, nhiều địa phương trong cả nước đã có cách làm hay, thiết thực, cơ bản đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.
Những kết quả tích cực
Qua hơn 10 năm thực hiện Đề án 1956, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề và hỗ trợ, tạo điều kiện giúp người sau học nghề tổ chức sản xuất, kinh doanh. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được phân cấp trực tiếp về các huyện, thị xã, thành phố đã tạo điều kiện cho các địa phương trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Về phía người học cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp; học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã từng bước gắn với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới
Chính quyền các  cấp ở địa phương cũng ngày càng chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngoài các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương cũng đã thu hút được các nhà khoa học của các viện nghiên cứu, trường (trung cấp, cao đẳng, đại học), lao động kỹ thuật từ các doanh nghiệp, nghệ nhân, người có tay nghề cao trong các làng nghề tham gia giảng dạy. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập, tuyển dụng học viên sau khóa học.
Theo báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2019, đã có trên 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề các trình độ; trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng là 5,59 triệu người, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người).. Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 80%. Lao động nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 35% lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa được coi trọng đúng mức; nhiều bộ, ngành, địa phương, cán bộ và xã hội nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đào tạo nghề chỉ là cứu cánh, có tính thời điểm, không phải là vấn đề quan tâm thường xuyên, liên tục và có hệ thống; hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Công tác dự báo nhu cầu đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân chưa tốt.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chưa phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo của Đề án 1956
Thêm vào đó, thời gian của các lớp đào tạo nghề thường ngắn, chỉ khoảng 3 tháng nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản, tư duy và kĩ năng chưa đủ để xin việc hoặc tự tạo việc làm riêng. Thời gian học ngắn, ngành nghề không phù hợp nhu cầu, nhất là với những ngành nghề kỹ thuật cao như hàn, lái máy… do bị hạn chế về trang thiết bị, học viên không có điều kiện thực hành nên tay nghề yếu đã khiến lao động nhiều địa phương không tìm được việc làm sau đào tạo.
Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề cũng chưa phù hợp với chương trình, đối tượng đào tạo của Đề án 1956. Hầu hết các cơ sở đào tạo nghề tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông ngiệp, trong khi các nhóm nghề nông nghiệp chiếm từ 50 đến 55% tổng số lao động đã được đào tạo; các nhóm nghề về công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 27%. Không những vậy, đội ngũ giáo viên đảm nhiệm dạy nghề nông nghiệp không phải là những người công tác cố định tại cơ sở, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Một số chủ doanh nghiệp thậm chí còn từ chối việc nhận học viên các lớp đào tạo nghề đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp vì sợ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong khi một số doanh nghiệp lại chủ yếu tuyển lao động phổ thông, thu hút lao động đi làm ngay mà không cần qua đào tạo dẫn đến tình trạng nhiều lao động nông thôn chưa quan tâm tới việc đi học nghề một cách bài bản.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan từ trung ương đến địa phương chưa nhuần nhuyễn. Tại nhiều nơi, việc đề xuất của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đối với việc đào tạo nghề với Bộ, Sở Nông nghiệp - PTNT vẫn chưa được tổng hợp đầy đủ. Điều này dẫn đến việc phân bổ ngân sách và kinh phí không đạt yêu cầu. Thậm chí tại nhiều địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn không được tham gia vào việc xây dựng kế hoạch nên không biết phân bổ kinh phí cho vấn đề đào tạo nghề.
Cùng với các nguyên nhân chủ quan, các nguyên nhân khách quan cũng khiến kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp khó. Theo kế hoạch năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đặt chỉ tiêu đào tạo 1,68 triệu lao động nông thôn được học sơ cấp dưới 3 tháng, trong đó số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo chiếm khoảng 1 triệu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua 6 tháng đầu năm 2020, cả nước chỉ đào tạo được trên 700.000 lao động nông thôn trình độ sơ cấp và trình độ nghề nghiệp khác...
Cần những giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng nêu trên, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn,  cần có những sửa đổi, bổ sung thích hợp để Đề án 1956 có thể đi sâu vào nhu cầu học nghề và đào tạo lao động của người dân. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng NTM của mỗi địa phương. Tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và công tác dự báo xu hướng phát triển, quy hoạch của từng địa phương, đảm bảo gắn với việc làm sau đào tạo. Đặc biệt cần làm tốt công tác dự báo về nhu cầu sử dụng nghề của xã hội để đảm bảo cho các học viên đã qua đào tạo có cơ hội tìm kiếm việc làm; có sự điều chỉnh về chính sách nhân sự của các trung tâm đào tạo nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề dành cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, cần quan tâm thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động nông nghiệp, lao động người dân tộc thiểu số, người thuộc đối tượng chuyển đổi nghề, lao động các xã đặc biệt khó khăn…có điều kiện tham gia học nghề. Đồng thời tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kịp thời biểu dương gương điển hình trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn; nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với xây dựng NTM đạt kết quả tốt. Tập trung tuyên truyền về quyền và lợi ích của người học, của cá nhân, tập thể tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Lồng ghép trong công tác tuyên truyền đào tạo nghề cho lao động nông thôn những nội dung hướng nghiệp cho học sinh phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mới đây cũng đề nghị các địa phương và cơ sở GDNN trong giai đoạn 2021-2015 cần chú trọng việc đào tạo lại cho người lao động, đào tạo nâng cao kiến thức phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động xây dựng nông thôn mới tương ứng với những thay đổi của công nghệ và chuyển đổi số. Trước mắt cần tập trung tăng cường công tác tuyển sinh, đa dạng hoá các hình thức đào tạo, chú ý dành cho các đối tượng lao động nông thôn bị mất việc làm, kể cả các lao động ở các nhà máy, xí nghiệp bị nghỉ việc tạm thời, trong đó cần nâng cao đào tạo kiến thức kỹ năng cho các đối tượng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như tác động kép của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và lao động người khuyết tật. Tăng cường việc kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tránh đề xảy ra những sai phạm trong quá trình đào tạo…
Đức Tùng