Lao động
Khánh Hòa: Triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng
09:49 AM 21/09/2021
Qua gần 2 tháng triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các cấp, ngành tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực để trao tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng. Đồng thời, UBND tỉnh đã thống nhất bổ sung thêm các đối tượng lao động tự do được hưởng chính sách này.

Nỗ lực thực hiện 
Ngày 8-9, xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) thực hiện trao hỗ trợ đợt 2 cho 21 đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, chị Cao Thị Yến (thôn A Thi) vui mừng chia sẻ: “Do dịch bệnh nên tôi phải tạm dừng bán quán gần 1 tháng, ảnh hưởng đến thu nhập, cuộc sống gia đình. Được nhận hỗ trợ, tôi có tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập cho con chuẩn bị bước vào năm học mới”. 
Được biết, đến nay, huyện Khánh Sơn đã tiếp nhận phê duyệt 317 hồ sơ lao động tự do, qua đó đã chi cho 273 người với hơn 444 triệu đồng. Việc triển khai chính sách được địa phương thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, đối tượng và được bình xét kỹ từ cơ sở.
 
Chi hỗ trợ lao động tự do tại huyện Khánh Sơn
Ở TP. Nha Trang, tuy gặp nhiều khó khăn do cùng một lúc các cấp, ngành, địa phương phải thực hiện nhiều việc, nhưng công tác triển khai Nghị quyết 68 cũng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Đến nay, thành phố đã trình UBND tỉnh 128 hồ sơ với 1.587 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Tỉnh đã phê duyệt 41 hồ sơ với 440 lao động, qua đó địa phương đã chi trả cho  237 người với hơn 765 triệu đồng. Đồng thời, thành phố tiếp nhận phê duyệt hỗ trợ cho 22.752 lao động tự do, qua đó đã chi trả cho 17.340 người với số tiền 35,4 tỷ đồng. Hiện nay, các xã, phường tiếp tục hướng dẫn thực hiện hồ sơ, thủ tục, bình xét và chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo đúng quy định…
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Nghị quyết 68 được triển khai trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu dân cư bị phong tỏa. Qua kiểm tra sơ bộ, các địa phương đã có nhiều nỗ lực để đưa chính sách đến các đối tượng thụ hưởng. Quy trình thực hiện thủ tục chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo đúng đối tượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ cơ sở chưa nắm vững quy định của chính sách dẫn đến còn sai sót về mặt văn bản, chậm xử lý hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ cả những đối tượng không nằm trong quy định. Những trường hợp này đã được cấp huyện phát hiện trả lại hồ sơ và yêu cầu điều chỉnh thủ tục theo đúng quy định…
Bổ sung thêm đối tượng
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của rất nhiều lao động trên địa bàn tỉnh. Để góp phần chia sẻ khó khăn, trước mắt, UBND tỉnh đã thống nhất mở rộng thêm 2 nhóm đối tượng lao động tự do được thụ hưởng chính sách gồm: Bảo mẫu, trông giữ trẻ và những công việc khác tại nhóm trẻ gia đình và các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (được cấp phép hoạt động); người lao động làm việc cho các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thống nhất mức hỗ trợ tối đa cho lao động tự do bị mất việc làm trên 30 ngày được hưởng hỗ trợ 50.000 đồng/ngày thực nghỉ nhưng không quá mức 2,1 triệu đồng/người. Với những trường hợp đã hưởng 1,5 triệu đồng/người, các địa phương rà soát, hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ nhận phần kinh phí chênh lệch tính theo số ngày bị mất việc trên thực tế (tối đa thêm 600.000 đồng/người). Đồng thời, UBND tỉnh thống nhất chủ trương hỗ trợ 500.000 đồng/người cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo không thuộc đối tượng được hưởng một trong những chính sách theo Nghị quyết 68. 
UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê, lập danh sách nhóm đối tượng lao động tự do làm các nhóm công việc khác thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc có hoàn cảnh thật sự khó khăn. Trên cơ sở đó, các sở, ngành chuyên môn căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tham mưu, trình UBND tỉnh tiếp tục xem xét quyết định trước ngày 20-9. 
Ông Tạ Hồng Quang cho biết, UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về tính chính xác của số liệu thống kê số lao động đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung đối tượng được hỗ trợ và thẩm định, phê duyệt hồ sơ hỗ trợ lao động tự do. Do vậy, cấp huyện, xã cần bám sát quy định để triển khai rà soát đối tượng bổ sung, mở rộng; thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, xử lý những sai sót từ cơ sở, tuyệt đối tránh việc thực hiện chi trùng chính sách cho các đối tượng./.
PV