Nghiên cứu - trao đổi
Khai mạc Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022
11:19 AM 11/10/2022
LĐXH) - Sáng ngày 10/10/2022, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức đã chính thức được khai mạc với buổi lễ long trọng tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội thi

Dự lễ khai mạc có đồng chí Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục GDNN, Trưởng Ban Tổ chức hội thi; ông Nguyễn Ngọc Tám - Vụ trưởng Vụ Cơ sở vật chất và thiết bị, Phó trưởng Ban Tổ chức hội thi; ông Phạm Anh Thắng - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TP.HCM; Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cùng lãnh đạo các các sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố có đoàn tham gia hội thi…

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 10/10 đến ngày 14/10/2022 tại thành phố Vũng Tàu tỉnh BR-VT. Tham gia Hội thi, có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với 381 thiết bị của 191 cơ sở GDNN. Các thiết bị đăng ký dự thi tập trung ở 4 nhóm nghề: Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (với 177 thiết bị chiếm 46%); Công nghệ Kỹ thuật cơ khí (98 thiết bị chiếm 26%); Máy tính và Công nghệ thông tin (30 thiết bị chiếm 8%); Tổng hợp (76 thiết bị chiếm 20%). Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng Giám khảo Hội thi với 60 thành viên, chia thành 12 Tiểu ban.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng  tham quan mô hình thiết bị tự làm tại Hội thi

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước ta trong 10 năm tới và các năm tiếp theo, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến 2025 là 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 30% có bằng cấp, chứng chỉ và đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 75% trong tổng lực lượng lao động, trong đó 40% có bằng cấp, chứng chỉ. Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược và định hướng xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mở và linh hoạt, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, tạo cơ sở cho triển khai đổi mới, phát triển GDNN trong giai đoạn tới.

Để đáp ứng yêu cầu trên, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn 2045 để hỗ trợ nguồn lực cho lĩnh vực GDNN, nhưng nếu phụ thuộc vào đầu tư của nhà nước là chưa đủ. Hiện nay, vẫn còn một số cơ sở GDNN có số giờ thực tập thấp, tỷ lệ học sinh, sinh viên trên một thiết bị đào tạo còn cao, ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của nhà giáo cũng như việc rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người học.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng  và lãnh đạo Tổng cục GDNN tham quan mô hình thiết bị tại Hội thi

Vì vậy, việc tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở GDNN và nếu chúng ta làm tốt công tác này thì hàng năm sẽ cung cấp một số lượng đáng kể thiết bị đào tạo, không chỉ được sử dụng tại trường mình mà còn có thể cung cấp cho nhiều cơ sở GDNN khác, góp phần giảm áp lực đầu tư ngân sách cho GDNN.

Thứ trưởng Dũng mong muốn, thông qua các kỳ hội thi sẽ lựa chọn được thiết bị có tính sư phạm, tính khoa học, kỹ thuật và sáng tạo, tính ứng dụng cao để tôn vinh đưa vào sử dụng trong phạm vi cả nước. Đồng thời, đề nghị Ban Tổ chức Hội thi làm việc một cách nghiêm túc để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của hội thi; Hội đồng Giám khảo tập trung trí tuệ, năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, đánh giá chính xác, công tâm, khách quan để lựa chọn ra những thiết bị xuất sắc nhất, đại diện cho phong trào sáng tạo thiết bị đào tạo tự làm…

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng  và lãnh đạo Tổng cục GDNN tham quan mô hình thiết bị tại Hội thi

Trước đó, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục GDNN cho biết, Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc (được tổ chức định kỳ 3 năm/lần) nhằm tạo nên phong trào nghiên cứu sâu rộng trong công tác thiết kế, chế tạo, cải tiến trang thiết bị đào tạo, phục vụ cho công tác giảng dạy; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở GDNN cả nước; qua đó phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ nhà giáo, học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN trong thiết kế, chế tạo thiết bị đào tạo. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở GDNN trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Sau hội thi, các thiệt bị đào tạo tự làm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao sẽ được lựa chọn để phổ biến, nhân rộng trong các cơ sở GDNN để góp phần hạn chế tình trạng thiếu hụt thiết bị giảng dạy và học tập./.

Trương Đăng