Xã hội
Khai giảng Khóa đào tạo Công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi
03:30 PM 20/11/2019
LĐXH) - Sáng ngày 20/11/2019, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp, Đại Lao động - Xã hội tổ chức Khai giảng Khóa đào tạo Công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi.
Tới dự Lễ khai giảng, có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; PGS.TS Bùi Thế Đồi, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, đại diện Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Hà Nội, cùng các học viên là cán bộ công chức văn hóa - xã hội, cộng tác viên công tác xã hội (cán bộ Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ và Mặt trận Tổ quốc cấp xã), cán bộ Phòng Lao động - TBXH cấp huyện và các cơ sở khác có hoạt động về công tác xã hội.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu khai mạc Lễ khai giảng
Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, căn cứ chương trình công tác năm 2019, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp Trường Đại học Lâm nghiệp, Đại Lao động - Xã hội tổ chức Khai giảng Khóa đào tạo Công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi. Mục tiêu của Khóa học nhằm nâng cao năng lực cho đối ngũ cán  bộ, nhân viên và cộng tác viên ngành Lao động - TBXH cấp xã về công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi. Khóa học diễn ra trong 30 ngày, chia làm 2 đợt.
Nội dung của Khóa đào tạo trang bị những kiến thức chung về công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi như: Tổng quan về công tác xã hội; Công tác xã hội trong phát triển cộng đồng tại khu vực nông thôn, miền núi; Những vấn đề của nông thôn, miền núi trong phát triển bền vững; Công tác xã hội với một số nhóm đối tượng đặc thù; Quản lý ca; Nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử và kỹ năng thuyết trình đối với cán bộ công tác xã hội khu vực nông thôn, miền núi; Nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng làm chủ bản thân đối với cán bộ công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn miền núi.
Các đại biểu và học viên chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu tại Lễ khai giảng, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề nông thôn, miền núi thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó là các chính sách về phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như trợ cấp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường trạm, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn miền núi. Nhiều địa phương được công nhận hoàn thành nông thôn mới, đi cùng với đó là nhận thức, hiểu biết của người dân được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường đầu tư, giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; công ác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, bảo tồn và phát triển; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi tặng hoa chúc mừng thầy, cô giáo
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Hồi, trong lĩnh vực cộng đồng thì khía cạnh nông thôn, miền núi là nội dung rất quan trọng, với 70 dân số nước ta hiện sống ở vùng nông thôn, miền núi. Có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh ở khu vực này như: Người nghiện, già hóa dân số, nước sạch, vệ sinh môi trường, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề phòng dịch, rác thải nông thôn... Điều này đòi hỏi vai trò của đội ngũ cán bộ công tác xã hội cơ sở là rất quan trọng trong việc trợ giúp người dân giải quyết vấn đề cộng đồng của mình.
Thêm vào đó, hiện nay phương pháp, cách thức giải quyết vấn đề cộng đồng của người dân còn chưa tốt ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng, phát triển nông thôn miền núi; Những quy định liên quan đến quản lý đối tượng, giám sát đánh giá cũng đặt ra yêu cầu phải có sự hỗ trợ của dịch vụ công tác xã hội. “Chúng ta chưa có đội ngũ công tác xã hội chuyên nghiệp, chưa có hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội giải quyết các vấn đề nông thôn hiện nay như thói quen sinh hoạt, người nghiện, nước sạch, vệ sinh môi trường, rác thải nông thôn... Các chương trình, đề án chưa quan tâm đúng mức đến công tác xã hội, vấn đề cộng đồng”, TS.Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.
Hoạt động của công tác xã hội trong phát triển nông thôn, miền núi trong một thời gian dài mới chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ thực hiện các chương trình xây dựng mà chưa thực sự có những chiến lược mang tính ngắn hạn, cũng như dài hạn cần được triển khai phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Phương pháp tổ chức công tác xã hội cá nhân, theo nhóm hoặc hộ gia đình có sự hỗ trợ của các Trung tâm CTXH cấp huyện, tỉnh và đội ngũ công tác viên ở các xã, phường, thôn bản... chưa thực sự phát huy được hiệu quả do nguồn nhân lực vừa yếu về trình độ, vừa thiếu về số lượng, cũng như chưa huy động được nguồn lực hiện có của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức trong thực hiện công tác xã hội.
Kiến thức công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi rất cần thiết cho các cán bộ ở cơ sở
trong việc giải quyết vấn đề cộng đồng
Trên thực tế Việt Nam đang có nhu cầu về công tác xã hội trong phát triển nông thôn, miền núi để giải quyết các vấn đề trong xã hội nông thôn, miền núi, bởi đối tượng công tác xã hội khu vực này rất lớn, chiếm 2/3 dân số cả nước. Trên thực tế có nhiều cộng đồng nông thôn đã quen dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc không đủ khả năng và cơ hội tiếp cận với các nguồn lực xã hội trong việc giải quyết vấn đề của mình. Trong khi đó, mục tiêu và phương pháp tiếp cận của cả ngành công tác xã hội và phát triển nông thôn là hướng đến việc hỗ trợ cư dân nông thôn nhận ra và phát huy tốt nhất năng lực của mình để cùng tham gia vào quá trình giải quyết vấn đề và phát triển cộng đồng nông thôn.
Để Khóa học đạt hiệu quả, TS. Nguyễn Văn Hồi yêu cầu các học viên sắp xếp bố trí công việc cơ quan hợp lý để thực hiện nghiêm túc nội quy lớp học; Chủ động, đưa vấn đề của cộng đồng nơi đang công tác làm việc, sinh sống cùng trao đổi, thảo luận; dạy và học theo phương pháp mới, có sự tương tác giữa giáo viên và học viên./.
Hồng Phượng