Giáo dục - Nghề nghiệp
Kết quả và một số giải pháp đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn ở Nam Định đến năm 2030
02:00 PM 09/12/2022
(LĐXH) - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành ở Nam Định đặc biệt quan tâm, từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững…
Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Nam Định nằm ở cực Nam châu thổ sông Hồng, diện tích tự nhiên là 1652,14 km2, bao gồm 09 huyện và 01 thành phố loại 2 trực thuộc Tỉnh. Dân số trung bình năm 2021 có 1.836.268 người (trong đó, dân số nông thôn chiếm 79,76%). Tổng số lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 356.252 người (chiếm 34,1% trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm). Lực lượng lao động dồi dào về số lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định: “Tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo đến năm 2021 là 24.014 người. Trong đó, giai đoạn 2010-2015: 12.152 người; giai đoạn 2016-2020: 10.930 người và năm 2021: 932 người”. Nhóm nghề nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo chủ yếu: chăn nuôi gà, vịt ngan, ngỗng; chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; trồng cây lương thực thực phẩm; nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; nghề nuôi tôm, cua biển, ngao; trồng nấm; chăm sóc, uốn, cắt tỉa cây cảnh; trồng rau... Tỷ lệ lao động vận dụng tốt các kiến thức được đào tạo để tạo việc làm đạt trên 80%”.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: tỷ lệ chưa đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn cao; chưa có sự liên kết chặt chẽ, sâu sắc giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động… Cùng với đó là nhận thức, quan niệm của người dân một số địa phương chưa thực sự hiểu đúng về công tác đào tạo nghề; cơ cấu đào tạo nghề chưa hợp lý; tỷ lệ LĐNT tham gia học nghề đạt thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đào tạo nghề chưa thực sự gắn với việc xây dựng các vùng chuyên canh, chuyên nuôi tập trung, làng nghề, thương hiệu, hình thành các cụm sơ chế sản phẩm nông nghiệp của địa phương; chưa có nhiều mô hình đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình đào tạo kiến thức mới về quản trị kinh doanh nhất là các chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã và doanh nghiệp; mô hình đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; mô hình đào tạo tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm; phương thức sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Tận dụng lợi thế từ các làng nghề truyền thống để tổ chức sản xuất tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương
Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới Nam Định tiếp tục đa dạng hoá các hình thức hợp tác, gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng huy động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo. Phát triển mạnh các mô hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp, hợp tác xã và học nghề theo công việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã. Xây dựng năng lực cần thiết để triển khai các mô hình. Nhân rộng mô hình đào tạo liên kết nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác xã. Có các mô hình đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, hợp tác xã phù hợp với các nhóm đối tượng đặc thù, nhóm yếu thế. Huy động cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và đánh giá, công nhận trình độ kỹ năng nghề nông nghiệp cho người lao động tại doanh nghiệp, gắn với cơ chế trả lương, sử dụng lao động có kỹ năng trong doanh nghiệp.
Tiếp đó, Nam Định cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, cụ thể là:
- Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại.
- Xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp theo nhu cầu, yêu cầu của thị trường lao động
-  Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Đẩy mạnh gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, hợp tác xã, tư nhân trong xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, tuyển sinh, tổ chức đào tạo và đánh giá, cấp chứng chỉ, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp
- Hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề nông nghiệp và huy động nguồn lực để đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn./.
NHB