Lao động
Kết quả tích cực trong giải quyết việc làm ở Vĩnh Long
02:33 PM 05/03/2020
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm ở Vĩnh Long đã có bước đột phá với nhiều chuyển biến tích cực, số lao động được giải quyết việc làm đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt.
Khép lại năm 2019, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn và thách thức, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Long cơ bản được hoàn thành, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 6,22%). Trong đó, quyết việc làm mới cho 27.490 lao động (đạt 137,45% kế hoạch), xuất khẩu lao động 1.715 người (đạt 106,52% kế hoạch); thu nhập bình quân đầu người (theo giá thực tế) đạt 50,65 triệu đồng, tăng 2,55 triệu đồng so với năm 2018 (năm 2018 là 48,1 triệu đồng)...
Để đạt được những chỉ tiêu trong lĩnh vực lao động và việc làm, thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Việc làm (Bộ Lao động – TBXH), Ngành Lao động – TBXH đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp để góp phần thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Tăng cường hoạt động giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức, thực hiện tốt các chương trình dạy nghề, các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Đặc biệt là tập trung thu hút lao động vào làm việc tại 2 khu công nghiệp đang hoạt động (Hòa Phú, Bình Minh). Hiện nay, tỉnh đang triển khai thủ tục, kêu gọi đầu tư 3 khu công nghiệp đã được Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch, gồm: khu công nghiệp Đông Bình (350 ha) tại thị xã Bình Minh, khu công nghiệp An Định (200 ha) tại huyện Mang Thít, khu công nghiệp Bình Tân (400 ha) tại huyện Bình Tân cùng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch...
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn
Đặc biệt, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người lao động, công tác giải quyết việc làm ở Vĩnh Long đã có bước đột phá với nhiều chuyển biến tích cực, số lao động được giải quyết việc làm đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt. Cụ thể trong năm 2019, tạo việc làm mới cho người lao động tăng 8,48%, trong đó, việc làm trong nước tăng 8,45%, xuất khẩu lao động tăng 8,96%%; cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản đạt 44,7%, lao động phi nông nghiệp 55,3%; tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đạt 71,04% (tăng 5,85% so với năm 2018), lao động qua đào đạo nghề đạt 50,07% (tăng 8,54%).
Theo báo cáo từ Sở Lao động – TBXH Vĩnh Long, năm 2019, tỉnh đã tổ chức hơn 100 cuộc tuyên truyền, thông tin, tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cho trên 10.500 lượt người lao động, người dân trên địa bàn. Hỗ trợ 1.100 lao động vay vốn, với số tiền hơn 30,7 tỷ đồng để tạo việc làm từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ 332 người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 37/2016/HĐND của HĐND tỉnh, với số tiền gần 25 tỷ đồng; hỗ trợ một số chi phí ban đầu khi tham gia xuất khẩu lao động cho 20 lao động, với số tiền 163,264 triệu đồng.
Tiếp đến, để đạt được chỉ tiêu kế hoạch về giải quyết việc làm mà UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm 2019, ngành Lao động - TBXH Vĩnh Long đã phối hợp với các ban, ngành liên quan chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn từng bước mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, cải tiến nội dung và nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong tỉnh, các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp trong nước và đi xuất khẩu lao động. Triển khai các chương trình xúc tiến việc làm và đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh; tổ chức các đoàn đi thăm quan, tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như tình hình làm việc của lao động người Vĩnh Long tại các nhà máy, khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh để từ đó có kế hoạch đào tạo, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động của tỉnh, gắn đào tạo với sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – TBXH còn chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm bằng nhiều hình thức, xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao dịch thị trường lao động thông qua các hình thức tuyên truyền, mở sàn giao dịch việc làm; đẩy mạnh công tác thu thập thông tin thị trường lao động trong tỉnh có kết nối với các tỉnh khác trong toàn quốc để giới thiệu việc làm cho người lao động.

Nhiều lao động ở huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) đã tìm kiếm được việc làm sau khi học nghề nấu ăn 

Kết quả, trong năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long (thuộc Sở Lao động – TBXH) đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 45.724 lượt người, tạo việc làm mới cho 1.469 người. Triển khai, phổ biến mô hình giải quyết việc làm bán thời gian, mùa vụ; mở các sàn giao dịch việc làm gắn kết với mô hình "Một điểm đến" tạo điều kiện tư vấn và giải quyết việc làm cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề “Giải quyết việc làm sau Tết”, “Giải quyết việc làm cho lao động về nước” và các phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 15 và 30 hàng tháng. Đối với công tác xuất khẩu lao động tại Trung tâm, có 175 người đăng ký tham gia xuất khẩu lao động, gồm: thị trường Nhật Bản 59 người, Đài Loan 5 người, Hàn Quốc 111 người; trúng tuyển 61 người (Nhật Bản 50 người, Đài Loan 1 người, Hàn Quốc 10 người). Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long còn tiếp nhận và đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 7.444 người.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động – TBXH Vĩnh Long, thông qua các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức đã góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm cho người lao động; kết nối, cung cấp thông tin thị trường lao động là "cầu nối" hữu hiệu giữa doanh nghiệp và người lao động. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đa dạng, phong phú về hình thức và cách thức tổ chức theo từng thời điểm cụ thể; so với loại hình Hội chợ việc làm trước đây, phiên giao dịch việc làm được tổ chức với tần suất nhiều hơn. Bên cạnh đó, Sở còn chỉ đạo Trung tâm phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề như: giải quyết việc làm cho thanh niên; giải quyết việc làm trực tuyến; giải quyết việc làm cho lao động phổ thông; việc làm - xuất khẩu lao động lồng ghép Hội chợ xúc tiến thương mại của tỉnh; giải quyết việc làm trực tuyến cho lao động Hàn Quốc và Nhật Bản…
Về định hướng trong lĩnh vực giải quyết việc làm của tỉnh trong thời gian tới, Sở Lao động – TBXH Vĩnh Long sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh hoạt động của sàn giao dịch việc làm thông qua các phiên giao dịch tại chỗ và các phiên giao dịch lưu động, ngày hội việc làm tại địa phương dựa trên tình hình thực tế của lao động, khai thác tốt dữ liệu cung - cầu lao động chủ yếu tại các khu vực đông người lao động. Hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp trong việc khai thác thông tin tuyển dụng, cập nhật kịp thời tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Đồng thời, tăng cường giới thiệu việc làm, cung ứng lao động kết nối bằng nhiều hình thức như: trực tiếp hoặc gián tiếp qua cổng thông tin điện tử việc làm, các website, điện thoại, tin nhắn… tạo thành mạng lưới bao phủ trong toàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng mô hình làm việc “Một điểm đến” giúp người lao động thuận tiện khi đến liên hệ các dịch vụ tại Trung tâm; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nhằm đưa người lao động trở lại thị trường lao động sớm nhất.

Chí Tâm