Xã hội
Kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục trong phát triển dịch vụ công tác xã hội ở Việt Nam
02:51 PM 09/01/2019
(LĐXH)-Đến nay, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH ở nước ta đã được hình thành, nhiều nhất là ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục. Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.
Hiện cả nước có 63 tỉnh, thành phố có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trợ giúp xã hội, với tổng số 418 cơ sở, trong đó có 195 cơ sở công lập, 223 cơ sở ngoài công lập. Hiện có 34 trung tâm Điều dưỡng người có công, còn lại là của các tổ chức xã hội; 120 cơ sở cai nghiện và hàng trăm cơ sở dịch vụ việc làm; hầu hết Bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều bệnh viện tuyến tỉnh có cung cấp dịch vụ CTXH cho bệnh nhân và cơ sở giáo dục-đào tạo có cung cấp dịch vụ CTXH; hội, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp đều có cung cấp dịch vụ CTXH đối với các nhóm yếu thế, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội.
Dịch vụ công tác xã hội phát triển nhanh chóng, đa dạng đã đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khác nhau
Kết quả nghiên cứu cho thấy có ít nhất 29 nhóm dịch vụ công tác xã hội đã được cung cấp cho các đối tượng có nhu cầu ở cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội, bệnh viện, tòa án, trường giáo dưỡng và ở cộng đồng, Trong đó có 10 nhóm dịch vụ ở cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực an sinh xã hội; 7 nhóm dịch vụ ở bệnh viện thuộc lĩnh vực Y tế; 7 nhóm dịch vụ ở trường học thuộc lĩnh vực giáo dục và 5 nhóm dịch vụ ở lĩnh vực Tư pháp.
Theo đánh giá chung, dịch vụ công tác xã hội phát triển nhanh chóng, đa dạng đã đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm yếu thế như người cao tuổi cô đơn, nghèo; người khuyết tật nặng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người bị nhiễm HIV/AIDs; người sử dụng chất gây nghiện, phụ nữ mại dâm, phụ nữ và trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực và bị mua bán trở về…
Tuy vậy, hầu hết các dịch vụ công tác xã hội kể trên đều chưa có quy định tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, định mức kinh tế kỹ thuật, chi phí và giá cả để bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ và bảo đảm quyền của tổ chức/người cung cấp dịch vụ.
Việc phát triển các loại dịch vụ công tác xã hội cở các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội còn nghèo nàn; cơ sở được coi là hoạt động tốt nhất cũng chỉ cung cấp được 7- 9 loại hình dịch vụ trên tổng số 21 nhóm dịch vụ công tác xã (xem chi tiết ở phụ lục 1). Đa phần các trung tâm CTXH mới chuyển đổi từ mô hình cơ sở trợ giúp xã hội sang vẫn nặng về chăm sóc nuôi dưỡng là chính, chưa đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ chăm sóc khác.  hầu hết các cơ sở trợ giúp xã hội hiện tại vẫn nặng về cung cấp dịch vụ chăm sóc nuôi dưỡng là chủ yếu và cũng chỉ cung cấp dịch vụ cho các đối tượng tại cơ sở;  một số cơ sở chăm sóc trẻ em có quan tâm đến vấn đề cho các em đi học, một số cơ sở chăm sóc người khuyết tật có quan tâm đến chỉnh hình, phục hồi chức năng, dạy nghề…các hoạt động văn hóa thể thao còn nghèo nàn, các dịch vụ công tác xã hội như  đánh giá sức khỏe tâm thần, tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý xã hội, kết nối dịch vụ, chuyển gửi, tìm kiếm gia đình chăm sóc thay thế, trợ giúp hồi gia đoàn tụ gia đình, quản lý ca,… gần như chưa được quan tâm vì thiếu nhân lực, số cán bộ nhân viên hiện có của cơ sở  lại chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội.
Mặt khác cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội cũng gần như con số không, do vậy các cơ sở trợ giúp xã hội chưa thể thực hiện được và một phần là nhu cầu của đối tượng chưa được “đánh thức”.  Hiện nay các cơ sở trợ giúp xã hội đang trong quá trình chuyển đổi từ việc thuần túy chăm sóc nuôi dưỡng tập trung sang cung cấp dịch vụ công tác xã hội đa dạng hơn; không cung cấp dịch vụ cho các đối tượng sống ở trung tâm mà còn cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội cho cả đối tượng ở cộng đồng. Trong cuộc khảo sát năm 2015 đối với một số cơ sở trợ giúp xã hội thuộc 5 tỉnh, thành phố (Hải Dương, Tuyên Quang, Thành phố Hồ chí Minh, Nghệ An và Kom Tun) thì có đến một nửa lãnh đạo các cơ sở trợ giúp xã hội cho rằng họ có khả năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng, nhưng hiện tại còn thiếu chính sách, cơ chế và điều kiện cần thiết về nhân lực; Tuy vậy cũng có số ít lãnh đạo cơ sở trợ giúp xã hội chưa quan tâm đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng (Bến Tre và Tuyên Quang).
Trước những hạn chế và khoảng trống về dịch vụ công tác xã hội nói trên, việc phát triển dịch vụ công tác xã hội, Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp;… Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão./.

Minh Hằng