Lao động
Huyện Ứng Hòa: Xuất khẩu lao động chưa đáp ứng được nhu cầu và tiềm năng
07:21 PM 03/12/2018
(LĐXH) Huyện Ứng Hòa là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, huyện có diện tích tự nhiên 183,75 km2; 28 xã, 1 thị trấn với hơn 56.440 hộ, dân số 197.370 người. Số người trong độ tuổi lao động của huyện chiếm trên 60% dân số, vì vậy, số lao động có nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động ở đây hiện chưa đáp ứng và nhu cầu và tiềm năng của lao động địa phương.
Hiện nay, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, số hộ dân sinh sống bằng nghề nông chiếm tới hơn 60% tổng số hộ dân trong toàn huyện (34.000 hộ). Lực lượng lao động vẫn tiếp tục gia tăng hàng năm, đặc biệt là các em học sinh sau các cấp học phổ thông không có điều kiện để học tiếp lên các bậc học cao hơn. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện mới có 1 cụm công nghiệp, 2 điểm công nghiệp, khoảng 240 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện Ứng Hòa xác định tạo việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp và tập trung nguồn lực cho công tác này.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tích cực tham mưu với UBND huyện ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về lao động - việc làm như: Kế hoạch về thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động; Kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề và tìm việc làm của người lao động trên địa bàn huyện; Kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến về vay vốn giải quyết việc làm và hỗ trợ xuất khẩu lao động...
Những năm gần đây, hàng năm Phòng LĐTBXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện 6000 - 7000 lần phát thanh tuyên truyền về vay vốn giải quyết việc làm và hỗ trợ xuất lao động. Thông qua đó, các chính sách của Nhà nước về vay vốn giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động được tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo người dân.

Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc theo chương trình EPS

Năm 2016, Điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Ứng Hòa đã được khai trương và đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả. Tính từ khi thành lập đến nay, Điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Ứng Hòa đã tổ chức được 42 buổi giao dịch việc làm thu hút trên 125 doanh nghiệp và 2.081 lượt người lao động tham gia tư vấn, phỏng vấn, kết quả đã có 292 người lao động đã trúng tuyển tìm được việc làm phù hợp.
Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện Ứng Hòa đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức thành công 6 phiên giao dịch và tư vấn việc làm với trên 260 doanh nghiệp, đơn vị tham gia với gần 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động. Các phiên giao dịch viêc làm đã thu hút trên 9.000 lượt người lao động tham dự, 2.141 người được phỏng vấn trực tiếp, 1.250 lao động được tuyển dụng, hơn 1.000 lao động được tuyển sinh vào học nghề ở các cấp trình độ. Ngoài ra, tại những phiên giao dịch việc làm này, các đơn vị, tổ chức đã phát hàng nghìn tờ rơi cung cấp thông tin tuyển dụng, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động và chính sách bảo hiểm thất nghiệp... nhằm giúp người lao động tại địa phương nắm bắt kịp thời những thông tin về tình hình lao động, việc làm và các chính sách khác có liên quan.
Bên cạnh việc vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm tại các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh của gia đình..., nhiều người dân Ứng Hòa đã chọn hướng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là các bạn trẻ, không ít gia đình có từ 2 người trở lên đang đi xuất khẩu lao động. Người dân Ứng Hòa chủ yếu đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ả Rập Xê út, trong đó Hàn Quốc, Nhật Bản là thị trường đang dành được nhiều sự quan tâm của người lao động.
Có thể nói công tác xuất khẩu lao động ở Ứng Hòa đang có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê của Phòng LĐTBXH huyện, năm 2017 Ứng Hòa mới có 48 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, thì 10 tháng đầu năm 2018 đã có 121 người đi XKLĐ. Tuy nhiên, so với qui mô dân số trong độ tuổi lao động, tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm thì số người đi XKLĐ ở huyện vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như nhu cầu của người lao động. Chỉ tiêu đưa 300 lao động đi XKLĐ năm 2018 được đặt ra từ đầu năm cũng chưa thực hiện được. Tháng 5-2018, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội vừa có công văn số 1665/LĐTBXH-QLLĐNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ngừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS vào năm 2018. Theo đó, 107 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh của 12 tỉnh, thành phố bị đưa vào danh sách xem xét tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, trong đó, 49 địa phương phải dừng ngay do còn nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. Tuy không nằm trong danh sách các địa phương phải dừng ngay việc đưa lao động đi Hàn Quốc nhưng Ứng Hòa cũng là huyện thuộc nhóm có nguy cơ cao bị xem xét dừng tuyển chọn lao động đi làm việc thị trường này.
Công tác XKLĐ là một chủ trương lớn của Nhà nước và cũng được thành phố Hà Nội xác định là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chính vì vậy, công tác này rất cần được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Trước mắt, các cơ quan chức năng của huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực XKLĐ; Tiếp tục cập nhật các thông tin về các thị trường lao động, các chính sách pháp luật, chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông như báo, đài, và các phương tiện truyền thanh về các thị trường lao động ngoài nước; công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu tại địa phương, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn; điều kiện lao động và sinh hoạt; các khoản phí phải nộp, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài giúp người dân nắm rõ thông tin nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XKLĐ. Đồng thời, lựa chọn đối tác XKLĐ để có kế hoạch, biện pháp sát với yêu cầu thực tế, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ; phối hợp thân nhân người lao động động viên họ tuân thủ pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài và về nước đúng thời hạn; có chính sách hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi để đi XKLĐ. Có như vậy mới có thêm nhiều lao động Ứng Hòa có thể đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, đặc biệt là những lao động thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
 Thảo Lan