Xã hội
Huyện Tri Tôn: Chú trọng công tác dạy nghề và tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
02:05 PM 23/11/2017
(LĐXH) - Mặc dù trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) luôn xác định công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH) và giảm nghèo, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, thời gian qua, Tổ Tư vấn ASXH huyện đã khẩn trương rà soát hệ thống chính sách ASXH đang thực hiện, đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình đời sống của nhân dân, quan tâm chăm lo hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công và đối tượng thuộc diện hưởng bảo trợ xã hội.
Ngay từ đầu năm, huyện đã triển khai kế hoạch đảm bảo ASXH đến tận cơ sở, tổ chức, thực hiện kịp thời các chính sách nhằm giảm nghèo nhanh hơn, sớm ổn định đời sống cho các đối tượng thụ hưởng. Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, huyện đặc biệt chú trọng công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân. Hàng năm, các ngành chức năng của huyện và các xã, thị trấn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đào tạo nghề như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tính chủ động của người lao động trong quá trình tìm việc làm và chuyển đổi nghề; xây dựng chương trình, nội dung học tập thiết thực cho từng nhóm đối tượng; tăng cường liên kết trong chuyển giao và tiếp nhận sử dụng lao động, tiêu thụ sản phẩm sau khi đào tạo nghề. Đồng thời đa dạng các hình thức dạy nghề cho lao động như dạy nghề lưu động, chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng mới cho nông dân, học tập trực tiếp tại đồng ruộng, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp...
Qua các lớp dạy nghề, đa số các học viên đều tận dụng ngành nghề mình học, mạnh dạn áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để tạo việc làm cho bản thân gia đình, cũng như tham gia lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, góp phần có thêm thu nhập, nâng cao mức sống. Kết quả, trong năm 2016, huyện Tri Tôn đã mở được 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ với 496 học viên tham gia và được cấp chứng chỉ học nghề. Trong đó có 7 lớp với 205 học viên học nghề phi nông nghiệp (có 60 học viên dân tộc thiểu số); 10 lớp với 286 học viên học nghề nông nghiệp (172 học viên dân tộc thiểu số).
Thông qua công tác đào tạo nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động, đặc biệt là những ngành nghề thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nơi làm việc gắn kết với địa phương và hộ gia đình. Ngoài ra, một số lao động sau khi được đào tạo đã được một số doanh nghiệp nhận vào làm việc. Trong năm 2016, UBND các xã, thị trấn đã xác nhận hồ sơ xin việc cho 8.833 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, trong đó lao động nữ là 4.475 người; Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang, Công ty May An Thành (Bà Rịa- Vũng Tàu), Công ty điện tử Poster Việt Nam khảo sát và tuyển dụng lao động đi làm việc ngoài tỉnh ở các xã, thị trấn trong huyện; tiếp nhận và phân phối 150 tờ rơi thông báo tuyển lao động là; làm 30 đĩa CD tuyên truyền Sàn giao dịch việc làm lần thứ II, III ở huyện Thoại Sơn và thành phố Châu Đốc; tổ chức tập huấn điều tra cung lao động cho 190 cộng tác viên tham gia và thực hiện điều tra ghi chép 31.303 hộ gia đình trong địa bàn huyện.
Nhờ thực hiện tốt công tác dạy nghề và tạo việc làm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tri Tôn
đã giảm xuống đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc
Bên cạnh đó, Tổ tư vấn về đảm bảo ASXH huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Sàn giao dịch việc làm lần thứ I năm 2016 tại Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn, có 17 doanh nghiệp tham gia trực tiếp tại sàn và 32 doanh nghiệp tham gia trực tuyến thống qua hệ thống Website của Trung tâm. Kết quả, có 379 lao động tham gia trực tiếp tại sàn, trong đó có 200 người đăng ký tìm việc làm; 14 người phỏng vấn trực tiếp, 86 người hẹn phỏng vấn; 9 người đăng ký xuất khẩu lao động; 2 người phỏng vấn đạt.
Với sự nỗ lực triển khai các chính sách về dạy nghề và tạo việc làm, kinh tế đời sống của người dân trong huyện đã được nâng lên, trong đó khu vực nông-lâm-ngư nghiệp tăng 4,33%; khu vực công nghiệp tăng 13,23%; xây dựng tăng 14,02%. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 128 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm. Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, giáo dục, y tế và an sinh xã hội tiếp tục phát triển.
Trong công tác giảm nghèo, huyện đã tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ hộ nghèo. Trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016, huyện đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức vận động tặng 11.861 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 3,3 tỷ đồng; thăm hỏi, chúc Tết bệnh nhân nghèo 30 người; tiếp nhận 1.000 phần quà hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã, thị trấn như: Thị trấn Ba Chúc, xã Lê Trì, Lạc Quới, Vĩnh Phước, Lương Phi, với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng; Hướng dẫn cán bộ phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo các xã, thị trấn công tác rà soát thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg và rà soát hộ nông, lâm, thủy sản có nhu cầu mua BHYT theo quy định. Nhờ thực hiện tốt các chính sách dạy nghề, tạo việc làm và giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm xuống. Tính đến cuối năm 2016, huyện Tri Tôn còn 6.323 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,51%, giảm 3,26% so với đầu năm; có 2.455 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,31%./.
Hồng Phượng