Lao động
Huyện Thường Tín: Phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 3.500 lao động năm 2020
02:21 PM 05/03/2020
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, các mô hình sản xuất trên địa bàn huyện Thường Tín đã có sự liên kết, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất rau an toàn, với diện tích 355 ha tại các xã: Tân Minh, Hà Hồi, Vân Tảo, Văn Phú... xây dựng và phát triển các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap. Huyện cũng duy trì vùng cây ăn quả diện tích trên 327 hécta trồng các loại cây: Cam canh, bưởi diễn, nhãn chín muộn, chuối tây nuôi cấy mô... tập trung ở các xã Chương Dương, Tự Nhiên, Thư Phú, Dũng Tiến.
Bên cạnh đó, Thường Tín còn phát triển vùng nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, với diện tích trên 1.000 ha tại các xã Nghiêm Xuyên, Tiền Phong, Lê Lợi, Thư Phú... Ngoài ra, Thường Tín cũng phát triển vùng trồng hoa cây cảnh, tập trung ở các xã: Vân Tảo, Hồng Vân, Thư Phú, hàng năm cung cấp hàng vạn sản phẩm hoa đào, cây cảnh phục vụ cho thị trường dịp tết Nguyên Đán. Cùng với đó huyện quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, từ đó tăng thu nhập cho người lao động, như nhãn hiệu tập thể khoai tây Thường Tín, dưa chuột Ba Lăng, thương hiệu hoa cây cảnh Nội Thôn... góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông nghiệp huyện hàng năm tăng từ 2% đến 3%.
Khai trương điểm GDVL vệ tinh huyện Thường Tín
Tính đến nay, toàn huyện có 27 xã đạt chuẩn về tiêu chí giảm số hộ nghèo, 100% xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 20 xã đạt tiêu chí văn hóa, có 26 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, số hộ giàu và khá tăng cao.
Đáng chú ý, trong thời gian qua là huyện tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất của người dân. Huyện đã thường xuyên vận động các hộ sản xuất, các trang trại liên danh liên kết, chuyển đổi ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung ở các xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại các xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản ở xã Nghiêm Xuyên và xã Dũng Tiến… góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lượt lao động.
Ngày 2/3/2020, UBND huyện Thường Tín cũng đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về việc giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện năm 2020. Theo đó, huyện phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 3.500 lao động. Tỷ lệ lao động lao động qua đào tạo đạt 70%; Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và triển ngành công nghiệp. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết triệt để các kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là TTHC, dịch vụ công, lãi suất vốn vay, thủ tục hoàn thuế, giải phóng mặt bằng, đấu thầu,...
Người lao động đến tìm việc tại điểm GDVL vệ tinh huyện Thường Tín
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững, trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo theo địa chỉ sử dụng để phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động. Triển khai hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. 
Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động; nâng cao hiệu quả hoạt động của Điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Thường Tín, tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động tra cứu, kết nối thông tin trên hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động đã được thu thập, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh triển khai và đa dạng hóa các dịch vụ cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Cập nhật và nắm bắt đầy đủ tình hình biến động về lao động tại các doanh nghiệp để đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời, gắn kết hoạt động thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp với giao dịch việc làm nhằm nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động. 
Thục Quyên