Lao động
Huyện Thường Tín chú trọng công tác an toàn lao động
09:52 AM 10/03/2020
(LĐXH) - Huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là địa bàn tập trung hơn 1.490 đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng lao động trong các lĩnh vực với gần 250.000 lao động. Quy hoạch chủ yếu trong các khu, cụm công nghiệp làng nghề và các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tự phát.
Qua công tác quản lý và thanh, kiểm tra, chính quyền địa phương cũng thừa nhận, thực tế, việc đảm bảo các điều kiện an toàn lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở thuộc các khu, cụm làng nghề hiện nay còn rất nhiều khó khăn.
Không có nhiều sự lựa chọn, những  lao động khu vực nông thôn, lao động thời vụ phải chấp nhận làm việc với những điều kiện hạn chế. Nhận thức về việc tự đảm bảo các điều kiện an toàn cho bản thân cũng chưa được chú trọng.
Phát động Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2019, chính quyền các địa phương đang tiến hành thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở, sản xuất có nhiều nguy cơ, nguy hiểm. Trong đó đặc biệt chú trọng trách nhiệm của người đứng đầu trong đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, việc tổ chức, hướng dẫn, trang bị các kiến thức để tự bảo vệ cho người lao động là hết sức cần thiết. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, để xảy ra các vụ tai nạn lao động, cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Lao động làm việc tại làng nghề Mộc, Phúc Trạch, huyện Thường Tín
Mới đây, UBND huyện Thường Tín cũng đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND để triển khai thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2020.
Theo đó, huyện phấn đấu hàng năm trung bình giảm 5,0% tần suất tai nạn lao động chết người, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (xây dựng, chế biến vật liệu xây dựng, vận hành lưới điện…); Trên 80% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác AT, VSLĐ huyện được tập huấn nâng cao năng lực về AT, VSLĐ. Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT, VSLĐ; trên 80% số người làm công tác AT, VSLĐ, người làm công tác y tế; trên 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về AT, VSLĐ.
Bên cạnh đó, trên 80% số làng nghề, trên 70% số hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về AT, VSLĐ. Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện cập nhật về sơ cứu, cấp cứu. Trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp (BNN) phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện đo quan trắc môi trường lao động. Bình quân hàng năm giảm 15% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; đảm bảo trên 80% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng thêm 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý AT, VSLĐ, bước đầu xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật. 100% số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 100% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thành lập được mạng lưới An toàn, vệ sinh viên.
Triển khai các biện pháp phòng, chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường gặp trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp. Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nghiệp vụ quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố có hại trong lao động. Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.

 

Thục Quyên