Xã hội
Huyện Thanh Trì: Làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ
03:29 PM 25/12/2017
Thấm nhuần đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì đã huy động toàn dân tham gia chăm sóc, góp phần nâng cao mức sống người có công, qua đó làm tốt phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa".
Qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, huyện Thanh Trì (thành phố Hà Nội) có gần 30 nghìn người có công. Hiện nay, toàn huyện có hơn 2,9 nghìn gia đình và cá nhân hưởng chính sách ưu đãi người có công. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Thị Thu Huyền, mục đích cao nhất của các hoạt động tri ân, chăm sóc người có công là bảo đảm cuộc sống của người có công và gia đình họ ngày càng ổn định, phát triển. Vì vậy, huyện Thanh Trì đã huy động mọi nguồn lực để chăm sóc, nâng cao mức sống người có công.
Hoạt động 'đền ơn, đáp nghĩa' ở Thanh Trì - Ảnh 1Huyện Thanh Trì phối hợp với các cơ sở y tế khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, từ tháng 6-2016, UBND huyện Thanh Trì đã ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND về việc hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn. Căn cứ vào kết quả rà soát, thống kê, UBND huyện Thanh Trì thống nhất số lượng 41 hộ cần được hỗ trợ về nhà ở và đưa ra mức hỗ trợ 90 triệu đồng/hộ xây dựng mới, 50 triệu đồng/hộ sửa chữa. Ngoài ra, đối với 39 hộ có tên trong danh sách được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Thanh Trì thực hiện nghiêm các quy định hiện hành. “Theo quy định của TP Hà Nội, mỗi hộ gia đình chính sách xây mới nhà ở được hỗ trợ 70 triệu đồng; sửa chữa, cải tạo được hỗ trợ 35 triệu đồng, thấp hơn mức hỗ trợ của huyện Thanh Trì. Để bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng, huyện Thanh Trì đã hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ xây dựng mới, 15 triệu đồng/hộ thực hiện sửa chữa” - bà Phạm Thị Thu Huyền cho biết.
Để hiện thực hóa các kế hoạch, chủ trương, huyện Thanh Trì đã tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay chăm sóc người có công. Từ tháng 6-2016 đến nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân huyện Thanh Trì ủng hộ được hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ các gia đình chính sách xây, sửa nhà ở. Nguồn kinh phí xã hội hóa được huyện Thanh Trì chuyển đến các đối tượng thụ hưởng công khai, công bằng và hiệu quả. Cuối tháng 6, huyện Thanh Trì đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở và bàn giao cho các gia đình người có công sử dụng. Hiện tại, huyện Thanh Trì không còn hộ gia đình người có công phải ở nhà xuống cấp.
Thương binh Nguyễn Văn Tữu, xóm 4, xã Yên Mỹ, bày tỏ: “Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, gia đình chúng tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để nâng cấp nhà. Có nhà mới, cuộc sống của gia đình tôi sẽ ổn định hơn”. Niềm hạnh phúc của ông Tữu cũng là niềm vui chung của người có công và nhân dân huyện Thanh Trì.
Tiếp nối truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, hằng năm, huyện Thanh Trì chủ động bố trí kinh phí tặng quà cho đối tượng chính sách vào các ngày kỷ niệm, ngày lễ, Tết; đưa người có công đi điều dưỡng luân phiên; phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho người có công nhiều đợt trong năm. Các xã, thị trấn quan tâm đến đời sống của từng hộ gia đình người có công để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Ngoài quà tặng của các cấp, các ngành chức năng, dịp này, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huy động nguồn lực xã hội để thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách theo quy định, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho một số đối tượng…
Tấm lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ, người có công của chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì được thể hiện rõ hơn qua việc ủng hộ kinh phí để nâng cấp, cải tạo nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ. Trong tổng số gần 12 tỷ đồng đầu tư nâng cấp 6 nghĩa trang và 2 đài tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn huyện dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ, nhân dân đóng góp được hơn 3 tỷ đồng. Điển hình là xã Yên Mỹ đã vận động xã hội hóa được hơn 1,3 tỷ đồng để nâng cấp tổng thể nghĩa trang liệt sĩ, trong khi dân số của xã chỉ có khoảng 6 nghìn người. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết: Dù thời chiến hay thời bình, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương, đất nước, thực hiện trách nhiệm nghĩa tình đối với người có công luôn được nhân dân xã phát huy. Trong các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, cán bộ xã không phải đến từng gia đình vận động, chỉ thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, người dân tự nguyện mang tiền ra nhà văn hóa đóng góp. Tùy theo các đợt vận động và hoàn cảnh gia đình, nhân dân tự cân nhắc mức đóng sao cho hợp lý, xã không đưa ra mức “sàn”. “Muốn khơi được nguồn lực trong dân, trước hết phải tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của các hoạt động tri ân, đền ơn, đáp nghĩa. Khi nhân dân hiểu, họ sẽ tự nguyện ủng hộ, hăng hái tham gia. Đó cũng là cách giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc thiết thực, hiệu quả” - ông Khánh chia sẻ.
Những dẫn chứng cụ thể cho thấy, phương châm "Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu” đã được chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì vận dụng linh hoạt, sáng tạo.

Minh Ngọc