Lao động
Huyện Quốc Oai: Nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm thông qua vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm
03:39 PM 12/12/2018
(LĐXH) – Những năm qua, huyện Quốc Oai (TP Hà Nội) đã thực hiện có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhờ vậy, 100% lao động sau khi học nghề đều có việc làm, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để tạo nên sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, những năm qua, huyện Quốc Oai đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tổ chức đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia học nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề của các đoàn thể, thôn, làng, tổ, cụm dân cư…
Huyện cũng tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương khảo sát, lựa chọn nghề đào tạo phù hợp đối tượng và phương hướng phát triển kinh tế của huyện. Căn cứ cơ cấu, tỷ trọng phát triển kinh tế của huyện năm 2017 và những năm tiếp theo; chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từng xã, thị trấn và huyện, năm 2017, huyện tiếp tục mở 65 lớp đào tạo nghề cho 2.225 lao động nông thôn.
100% lao động huyện Quốc Oai sau khi học nghề đều có việc làm
Trong đó, nghề phi nông nghiệp 23 lớp (790 lao động) với các ngành, nghề như: Hàn điện, may công nghiệp, sản xuất hàng mây tre, giang đan, kỹ thuật điêu khắc gỗ; nghề nông nghiệp 42 lớp (1.465 lao động) với các ngành nghề chủ yếu như chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăn nuôi lợn, trồng cây ăn quả, trồng lúa chất lượng cao, rau hữu cơ, rau an toàn, kỹ thuật trồng chăm sóc cây cảnh, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Năm 2018, huyện đã tổ chức khai giảng và thực hiện đào tạo nghề cho 56 lớp với 1.959 lao động. Trong đó, nghề phi nông nghiệp 25 lớp (875 lao động); nghề nông nghiệp 31 lớp (1.084 lao động).
Huyện Quốc Oai xác định mô hình điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn là các nghề may công nghiệp, hàn điện tại các công ty, xưởng sản xuất có cam kết tuyển dụng 100% lao động sau học nghề. Đến nay, người lao động sau khi được đào tạo nghề theo mô hình điểm đã có việc làm, thu nhập ổn định từ 4-8,5 triệu đồng/người/tháng.
Song song với việc tổ chức mở lớp, đào tạo nghề cho lao động, huyện Quốc Oai cũng chú trọng tới việc phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề công lập nhằm đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất trong công tác đào tạo nghề. Đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, phát triển trên địa bàn, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, ông Nguyễn Đức Phương cho biết, trong thời gian tới, huyện Quốc Oai tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình xây dựng NTM.
Huyện cũng sẽ phối hợp với các đơn vị mở phiên giao dịch việc làm tại huyện, thường xuyên, liên tục, kịp thời tạo kết nối nhiều mối quan hệ lao động mới. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề, các chương trình quốc gia về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm thông qua vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm.

Công Nguyễn