Xã hội
Huyện Phú Vang: Chăm lo đời sống cho người có công với cách mạng
02:24 PM 18/08/2017
(LĐXH) – Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, triển khai và thực hiện kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đền ơn đáp nghĩa đến toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo của phòng LĐ – TBXH huyện Phú Vang, hiện trên địa bàn huyện có 443 thương bệnh binh, hơn 3.000 liệt sĩ, 459 Mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng hàng trăm người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hàng nghìn người có công với cách mạng… Hằng năm, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện quyên góp được hàng trăm triệu đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách và tu sửa nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ…

Theo đó, từ năm 2012 đến nay, huyện đã tổ chức thăm hỏi, tặng 29.597 suất quà của các cấp với số tiền trên 5,97 tỷ đồng; tổ chức đưa 2.994 lượt đối tượng thương binh, bệnh binh, than nhân gia đình liệt sỹ, người có công cách mạng đi điều dưỡng, cấp 32.250 lượt thẻ bảo hiểm cho các đối tượng người có công và than nhân người có công. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng 516 căn nhà tình nghĩa với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng; trong đó, 185 nhà sử dụng từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; hầu hết các xã, thị trấn đều có đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; hàng năm, huyện bố trí kinh phí cải tạo, tu sửa và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn; tổ chức thăm hỏi, tặng gần 30 nghìn suất quà của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh, huyện cho các đối tượng người có công với cách mạng và gia đình chính sách với số tiền gần 6 tỷ đồng. Nhiều hoạt động tri ân khác, như: cấp tiền mai táng phí cho đối tượng có công qua đời, thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng có công với cách mạng; giải quyết 291 hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ cũng được đầu tư với số tiền hàng tỷ đồng. Huyện còn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hướng dẫn thân nhân lập hồ sơ đề nghị xét tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho các trường hợp đủ điều kiện; đồng thời, đã tổ chức Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho các liệt sĩ: Nguyễn Văn Lớn, Lê Đình Thủy (xã Phú Mỹ); La Thị Thước (xã Vinh Hà); Hoàng Viễn (xã Vinh Phú) và Lê Hải (xã Vinh Giang).
Đền Tổ quốc ghi công tại huyện Phú Vang
Nhờ làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nên toàn huyện đến nay không còn người có công và thân nhân người có công cách mạng sống trong nhà tạm bợ; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng do không có hồ sơ gốc lưu lại Sở LĐ- TBXH, một số liệt sĩ chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công nên chưa đủ điều kiện để đề nghị, hồ sơ đối tượng thanh niên xung phong không còn giấy tờ và chưa có văn bản hướng dẫn giải quyết; một số đối tượng do có sự sai lệch về thông tin trong các giấy tờ tùy thân nên khi lập hồ sơ thực hiện chế độ chính sách phải đính chính làm chậm thời gian hưởng chế độ chính sách….
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, ngoài việc thăm hỏi, tặng quà các đối tượng và gia đình chính sách trên địa bàn, UBND còn phối hợp với phòng LĐ - TBXH huyện tổ chức trao tặng nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mèo, sinh năm 1923, ở thị trấn Phú Đa. Đây là căn nhà tình nghĩa thứ 2 trong năm được xây dựng từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trị giá 40 triệu đồng cùng với 7 căn nhà được sửa chữa trị giá 20 triệu đồng/căn dành cho các gia đình chính sách .
Bên cạnh đó, huyện còn huy động lực lượng thanh niên toàn huyện tham gia tổng vệ sinh Nghĩa trang Liệt sĩ huyện và các xã, thị trấn; tổ chức sửa chữa 5 căn nhà của các gia đình tại xã Vinh Phú, gồm các công đoạn: sơn tường nhà, sửa cửa, ngõ, lợp lại mái nhà; tổ chức Chương trình Thắp lửa truyền thống sáng mãi niềm tin; Chương trình văn nghệ Màu hoa đỏ với nhiều ca khúc về cách mạng nhằm thể hiện lòng tri ân của thế hệ trẻ hôm nay với sự hy sinh mất mát của các thế hệ đi trước. Ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Vang cho biết, ngoài sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ và nhân dân còn có nhiều chư tôn, giáo phẩm và gia đình phật tử trên địa bàn huyện nhận lời mời tham gia lễ cầu siêu nhân dịp kỷ niệm 70  năm ngày thuơng binh liệt sĩ.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ và Chính quyền huyện Phú Vang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần có những việc làm phong phú, thiết thực, đậm nét nhân văn để giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hà Giang