Xã hội
Huyện Nam Trà My: Chú trọng lồng ghép các nguồn lực từ chương trình, dự án để giảm nghèo bền vững
02:03 PM 17/06/2022
(LĐXH)- Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng, thời gian qua, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã tập trung thực hiện hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nam Trà My là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, cách tỉnh lỵ Tam Kỳ khoảng 100 km; có tổng diện tích tự nhiên là 82.253 ha; dân số 32.369 khẩu/7.916 hộ, trong đó trên 97% là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Cadong, Xêđăng, Bh’nông); là một huyện thuộc chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ, có 9/10 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao.
Nhiều hộ nghèo đã vay vốn phát triển kinh tế, trồng cây dược liệu cho thu nhập ổn định
Với đặc điểm như vậy, Đảng bộ, chính quyền huyện Nam Trà My xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, tạo việc làm tăng thêm nguồn thu nhập để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện và HĐND huyện đề ra. Ngay từ đầu giai đoạn 2016-2020, huyện xác định chỉ tiêu giảm số hộ nghèo hàng năm từ 450 - 500 hộ, tương ứng giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6% - 8%.
Sau khi có Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Huyện ủy, UBND huyện đã quán triệt sâu rộng về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời, phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền cho hộ nghèo về chính sách của nhà nước trong thực hiện chương trình.
Trong quá trình thực hiện, đã đề ra nhiều giải pháp, nhiều cách làm hay, phù hợp với địa phương để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, như: giao chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm cho các địa phương; tập trung các nguồn lực cho hộ đăng ký thoát nghèo (thoát nghèo có địa chỉ), đặc biệt vận động “Cán bộ, công chức, lao động giúp hộ nghèo thoát nghèo” theo phương châm “3 công chức, lao động giúp 01 hộ thoát nghèo bền vững”, cụ thể: giúp cách phát triển kinh tế hộ gia đình theo định hướng chung của huyện “trồng cây gì, nuôi con gì”; dần bỏ trồng trọt, chăn nuôi theo phong tục, tập quán mà đưa chăn nuôi có chuồng trại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.
Đặc biệt, đã thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án để phát triển kinh tế - xã hội miền núi, góp phần giảm nghèo bền vững tại huyện Nam Trà My, trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn đầu tư phục vụ cho công tác giảm nghèo bền vững của huyện là 427.231 triệu đồng, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 366.152 triệu đồng; Riêng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện từ năm 2016 đến nay với doanh số cho vay là 205.082 triệu đồng, nguồn vốn vay này đã tạo điều kiện cho 5.854 hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có vốn để phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng cây dược liệu, trồng sâm Ngọc Linh. Từ nguồn vốn vay này, cùng với các sự hỗ trợ khác đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Với những giải pháp quyết liệt đó, trong 05 năm (2016-2020), số hộ nghèo giảm: 2.367 hộ (năm 2015: 4.744 hộ, cuối năm 2020: 2.377 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm 39,83% - bình quân mỗi năm giảm 7,97% (năm 2015: 70,89%, năm 2020: 31,06%). Trong đó có nhiều hộ nghèo không những thoát nghèo bền vững mà còn có tài sản tương đối lớn và đầu tư kinh tế sang hướng mới (đầu tư trồng dược liệu, trồng Sâm Ngọc Linh) để vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định đó là: Tỷ lệ hộ nghèo của huyện tuy giảm nhiều hơn so với năm trước nhưng vẫn còn rất cao so mức bình quân chung của tỉnh, cả nước. Theo tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025, năm 2021, huyện có 4.330 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 54,7%, có 147 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,86%; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chương trình đôi khi chưa kịp thời, đồng bộ. Một bộ phận vẫn còn tư tưởng giữ tỷ lệ hộ nghèo cao để được chính sách hỗ trợ đầu tư; việc huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để giảm nghèo còn khó khăn.
Trong thời gian tới, Đại hội Đảng bộ huyện Nam Trà My tiếp tục khẳng định công tác giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội và chính bản thân hộ nghèo. Công tác giảm nghèo phải được đặt trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện; gắn công tác giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện và thực hiện các chính sách vùng dân tộc thiểu số - miền núi. Đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo trên tinh thần phát huy nội lực là chính, với phương châm “người dân tự vươn lên thoát nghèo, có sự hỗ trợ của Nhà nước và được cộng đồng giúp đỡ”; xác định đối tượng để tập trung giảm nghèo là hộ gia đình, khu dân cư, thôn trên địa bàn; ưu tiên nguồn lực đầu tư giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vùng đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ xã hội cơ bản ở địa phương. Để công tác giảm nghèo bền vững đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện Nam Trà My tập trung thực hiện một số giải pháp: Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương cần đưa chỉ tiêu giảm nghèo vào trong nghị quyết hằng năm của cấp ủy; giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, Mặt trận, hội đoàn thể và địa phương; xem đây là tiêu chí đánh giá các cấp ủy đảng, chính quyền vào dịp cuối năm, kịp thời biểu dương những cơ quan, địa phương hoàn thành tốt và kiểm điểm những địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Phải phát huy sức mạnh của 3 lực lượng: Bản thân người nghèo, cộng đồng và nhà nước. Trong đó, đặt quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người nghèo và vai trò, sức mạnh của cộng đồng, đoàn thể để đảm bảo tính bền vững của Chương trình. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để làm chuyển biến về nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo. Thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống nhất từ huyện đến xã, thôn. Trong quá trình thực hiện phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội, gắn kết chương trình, dự án khác với chương trình mục tiêu giảm nghèo. Công tác giải ngân nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi phải được gắn liền với việc phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn, gắn công tác tập huấn khuyến nông, đào tạo nghề, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho hộ nghèo; phát huy sự giúp đỡ lẫn nhau tại cộng đồng nhằm đem lại hiệu quả cao và thiết thực cho công tác này.
Bên cạnh đó là xác định rõ nguyên nhân nghèo của từng nhóm hộ nghèo, từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể cho các địa phương. Đặc biệt tiếp tục chú trọng trong việc “Cán bộ, công chức, lao động giúp hộ nghèo thoát nghèo” theo phương châm “03 công chức, lao động giúp 01 hộ thoát nghèo bền vững”, hơn nữa để tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo./.
Hồng Phượng