Xã hội
Huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Cần lắm sự quan tâm hỗ trợ trong việc dạy nghề, tìm việc làm cho người khuyết tật
03:05 PM 28/09/2020
Có một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh là mong muốn của bất cứ ai. Với người khuyết tật, số phận không mỉm cười với họ, thiếu sức khỏe, khó khăn trong vận động, sinh hoạt, học tập và khó có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp là những vấn đề mà người khuyết tật đang phải đối mặt. Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật, giúp họ nâng cao vị thế và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo số liệu thống kê của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi huyện Hoằng Hóa, hiện nay trên địa bàn huyện có trên 17.000 người khuyết tật, bao gồm người khuyết tật xã hội và người khuyết tật có công với cách mạng, trong đó có tới 70% trường hợp khuyết tật nặng và đặc biệt nặng sống phụ thuộc vào người thân, 30% trường hợp khuyết tật nhẹ có khả năng lao động và tự chăm sóc bản thân. Những năm gần đây, việc dạy nghề, đào tạo việc làm cho người khuyết tật đã nhận được sự quan tâm của Nhà nước thông qua nhiều chính sách, ưu tiên hỗ trợ khác nhau. Trên địa bàn huyện cũng đã có nhiều chương trình phối hợp, tổ chức mở các lớp học nghề cho người khuyết tật, phối hợp với Trường trung cấp nghề thanh niên đặc biệt của tỉnh tuyển sinh và động viên cho các cháu khuyết tật tham gia học nghề miễn phí. Những lớp dạy nghề, HTX tạo việc làm cho người khuyết tật thực sự mang lại hiệu quả, chủ yếu là dạy nghề gắn với tạo việc làm; tạo điều kiện vay vốn để gia đình người khuyết tật đầu tư sản xuất kinh doanh. Có việc làm, thêm thu nhập, người khuyết tật thêm hăng say lao động sản xuất, xóa đi mặc cảm, để thấy mình “tàn nhưng không phế” và tự tin hơn trong cuộc sống hơn.
Chương trình dạy nghề tạo việc làm cho người khuyết tật được Hội Bảo trợ NTT-TMC tỉnh quan tâm, giúp đỡ bằng các dự án học nghề, chương trình mục tiêu quốc gia, bên cạnh đó các cấp hội cũng đã làm tốt công tác đấu mối, phối hợp với phòng LĐTBXH huyện, Hội Phụ nữ huyện cũng như hội phụ nữ xã, thị trấn trong hỗ trợ, đào tạo nghề cho người khuyết tật. Đến nay, toàn huyện mở được hơn 20 lớp đào tạo nghề cho người khuyết tật với trên 2.000 người khuyết tật được học và làm nghề, phù hợp với khả năng của người khuyết tật và có thể làm ngay tại gia đình như: làm mi mắt giả, thêu ren, móc hộp xuất khẩu, chẻ tăm hương, chổi đót, đan thảm, may mặc, mộc, khâu bóng, in ấn, làm tăm tre…, đặc biệt trong đó có CLB Hương Dừa nay đã mở rộng lên HTX TTCN Niềm tin 18/4 của chị Lê Thị Tuyết, xã Hoằng Quỳ. Với những cách làm linh hoạt sáng tạo và có cả sự tâm huyết, chịu khó, trong những năm qua, HTX của chị Tuyết đã nhận được nhiều hợp đồng với đa dạng các công việc rất phù hợp với người khuyết tật, đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật. Hiện HTX TTCN Niềm tin 18/4 luôn duy trì tạo việc làm cho từ 30- 40 người khuyết tật, với mức thu nhập hàng tháng trung bình từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu 500 ngàn đồng, nhiều lao động thành thạo nghề may, có thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng…
Người khuyết tật rất mong muốn được hỗ trợ tạo việc làm để ổn định cuộc sống

Vợ chồng chị Lê Thị Tám- thôn 7- xã Hoằng Châu đều bị khuyết tật, hiện vợ chồng chị cũng đang tham gia nhận công việc may công nghiệp của HTX Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Niềm tin 18/4 về làm tại nhà. Chị Tám cho biết: Cả 2 vợ chồng đều bị khuyết tật, khi đến học hỏi nghề tại HTX của chị Tuyết mới thấy được tình yêu cuộc sống, khao khát có nghề của những người khuyết tật đang học và làm nghề tại đây. “Tôi suy nghĩ rất nhiều và nghiệm ra rằng: Có sự quyết tâm, kiên trì của bản thân thì bất kỳ người khuyết tật nào cũng có thể vượt lên chính mình, vượt lên nỗi bất hạnh và hòa nhập vào cộng đồng, nghị lực thành công sẽ bù đắp vào những khiếm khuyết trên cơ thể của mình”, lời tâm sự của chị Tám khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
Cũng là 1 tổ chức người khuyết tật hoạt động rất hiệu quả hiện nay, đó là hội người mù huyện, hàng năm Hội Người mù huyện đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hội viên người mù làm nghề tăm tre và tầm quất, bấm huyệt, có mức thu nhập ổn định, giúp họ ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, các CLB hay HTX người khuyết tật hoạt động hiệu quả như HTX TTCN Niềm tin 18/4 xã Hoằng Quỳ hay Hội Người mù huyện thì còn rất ít, số lượng người khuyết tật được học nghề hiện nay tăng không đáng kể. Tỷ lệ người khuyết tật sau đào tạo nghề tìm việc làm còn thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm. Nhiều lớp sau đào tạo, người khuyết tật ko duy trì được nghề, do mức thu nhập đạt thấp, hơn nữa thị trường tiêu thụ sản phẩm bấp bênh.

Chia sẻ với chúng tôi, rất nhiều người khuyết tật cho rằng, họ mong muốn mình là những người tàn mà không phế và thực sự họ không muốn mình trở thành một gánh nặng cho người thân, gia đình và xã hội, song họ gặp phải không ít rào cản trong việc tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập… Nhiều trường hợp người khuyết tật có khả năng lao động nhưng vẫn không có được việc làm. Nguyên nhân là do họ chưa được đào tạo nghề hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng của bản thân. Hơn nữa, một bộ phận người khuyết tật còn nặng tâm lý tự ti bản thân, nên e ngại tiếp cận với cộng đồng.
Vì vậy, để xóa bỏ được tình trạng này, cần phải xóa bỏ rào cản tâm lý, ngoài việc người khuyết tật xóa bỏ rào cản từ chính bản thân mình bằng những suy nghĩ và hành động tích cực, thì cộng đồng, xã hội cũng phải có những nhìn nhận công bằng và nhân văn hơn từ góc độ tiếp cận quyền con người đối với người khuyết tật. Ngoài ra, để người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động để nuôi sống bản thân và có cơ hội cống hiến cho xã hội, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực từ phía nhà nước, cộng đồng. Trong đó, có chính sách đối với việc dạy nghề và tạo việc làm đối với người khuyết tật. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng, xóa bỏ rào cản kỳ thị của xã hội với người khuyết tật, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu ban hành danh mục nghề đào tạo phù hợp với các dạng tật, danh mục các cơ sở đăng ký đào tạo nghề cho người khuyết tật; xây dựng, triển khai các mô hình dạy nghề linh hoạt, đa dạng cả về thời gian, cách thức tiến hành phù hợp với điều kiện, khả năng của người khuyết tật... Và hơn hết, người khuyết tật phải tự xóa bỏ mặc cảm, tự ti của bản thân, sẵn sàng lao động và cống hiến cho xã hội trên sức lực của bản thân mình. Mong rằng, với sự vào cuộc của xã hội, cùng những cố gắng nỗ lực của chính những người khuyết tật, sẽ ngày càng có thêm nhiều người khuyết tật “tàn nhưng không phế”./.
 PV