Lao động
Huyện Hà Quảng quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động
03:28 PM 12/03/2020
Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có 20.289 người trong độ tuổi lao động. Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trong độ tuổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, huyện tập trung chỉ đạo có hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ).
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Trường Hà (Hà Quảng) tập trung triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Trường Hà Mạc Văn Dũng cho biết: UBND xã luôn quan tâm, chú trọng đến công tác rà soát, tìm hiểu thông tin của thị trường lao động nhằm tạo nhiều cơ hội về việc làm cho người dân và lao động qua đào tạo trên địa bàn. Thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện, các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước. Từ năm 2017 - 2019, UBND xã đã phối hợp mở 7 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, trồng khoai tây, trồng lạc cho gần 300 lượt người. Đến năm 2018, xã có 595 người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề, đạt 39,3%, trong đó có 173 người có trình độ sơ cấp nghề và chứng chỉ đào tạo nghề dưới 3 tháng…
Giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện tổ chức 15 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 473 lao động nông thôn; tổ chức tư vấn chính sách về việc làm, hỗ trợ 3.394 lượt NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tạo việc làm cho 2.758 NLĐ (2.190 người làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước; 155 người được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 300 người được hỗ trợ tạo việc làm; 20 người được hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...). Những kết quả trên phần nào phản ánh nỗ lực của huyện Hà Quảng trong việc đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, cho vay vốn giải quyết việc làm.
Hằng năm, Phòng LĐ-TB&XH huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn rà soát số lượng lao động đã đào tạo và chưa qua đào tạo, tìm hiểu về nhu cầu học nghề của NLĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp thông qua nhiều hình thức giúp người dân hiểu và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tuyển sinh, đào tạo các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động triển khai, thông tin tuyển lao động đi làm việc ở trong nước và xuất khẩu lao động; phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tư vấn, hỗ trợ NLĐ vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm để tạo việc làm tại chỗ... Năm 2019, Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm đã xét duyệt cho vay 14 dự án mới với số vốn vay 700 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 14 lao động. Qua đó, một số mô hình phát triển kinh tế phát huy hiệu quả, từng bước đưa các hộ thoát nghèo bền vững; tạo việc làm cho 728 người, trong đó có 717 lao động làm việc trong các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; 11 lao động làm việc ở nước ngoài.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả của huyện, nhiều lao động của địa phương được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, trong đó có nhiều trường hợp thuộc diện hộ nghèo, sống ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế.
Đồng chí Vương Văn Thảo, phụ trách Phòng LĐ-TB&XH huyện Hà Quảng chia sẻ: Nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trình độ nhận thức còn hạn chế nên chưa chủ động tham gia học nghề. NLĐ sau học nghề chủ yếu tự tạo việc làm, chưa có hợp tác xã, doanh nghiệp giải quyết việc làm sau đào tạo; cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên các lớp học nghề chủ yếu mở tại nhà văn hóa các xóm, xã... 
Anh Tú