Xã hội
Huyện Đình Lập (Lạng Sơn): Chú trọng các biện pháp giảm nghèo nhanh và bền vững
10:42 AM 22/09/2020
Xác định việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong giai đoạn 2016-2020, căn cứ tình hình thực tế và nghị quyết HĐND huyện chỉ đạo, hằng năm, huyện Đình Lập luôn phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5% trở lên. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ soạn thảo Đề án phát triển nhanh và  bền vững của huyện để lãnh đạo chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 đến toàn thể các cơ quan đơn vị, UBND các xã, thị trấn và mọi người dân trên địa bàn huyện biết, hiểu rõ chính sách để cùng thực hiện.
Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đình Lập giảm còn 17,64%
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân về các mục tiêu, chính sách giảm nghèo bền vững. Về cơ bản, người dân nắm được các chế độ, chính sách chương trình giảm nghèo, hiểu biết hơn cách thức làm ăn, các kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật để từ đó vận dụng vào phát triển sản xuất, cải thiện đời sống nâng cao thu nhập.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, từ năm 2014-2020, huyện Đình Lập được giao tổng số vốn chương trình 30a là 225.844 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 194.243 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 29.866 triệu đồng, vốn huy động 1.735 triệu đồng. Huyện đã thực hiện 31 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như thủy lợi, giao thông, công trình xây dựng, sửa chữa nhà lớp học, nhà văn hóa... Các công trình được đầu tư đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, giao lưu thương mại. Trong 2 năm 2018-2019, Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, với tổng kế hoạch giao vốn sự nghiệp là 17.134 triệu đồng, huyện đã thực hiện 39 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo.
Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện, trong giai đoạn 2015-2020, toàn huyện đã mở được 37 lớp day nghề ngắn hạn với 1.365 học viên, nội dung đào tạo về kỹ thuật trồng nấm, trồng rừng, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi..., nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 39% năm 2014 lên 50% năm 2019. Lao động nông thôn người dân tộc thiểu số sau khi học nghề đã áp dụng vào phát triển sản xuất, tỷ lệ lao động tự tạo việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%.
Công tác điều tra rà soát hộ nghèo được thực hiện nghiêm túc
Đối với các chính sách giảm nghèo hiện hành khác như hỗ trợ nhà ở, mua thẻ BHYT, hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ tiền điện..., huyện Đình Lập đã tập trung chỉ đạo thực hiện với nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, đến hết năm 2019, tổng số hộ đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở là 112 hộ (xây dựng mới 56 hộ, kinh phí 2.240 triệu đồng; sửa chữa 56 hộ, kinh phí 1.120 triệu đồng). Theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg, từ năm 2015-2019, huyện đã hỗ trợ cho 191 hộ nghèo, với tổng kinh phí 4.775 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các cơ quan, tổ chức vận động và trích quỹ hỗ trợ nhà ở cho 17 hộ gia đình làhộ nghèo, người hoạt động kháng chiến và phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ với tổng kinh phí hơn 152 triệu đồng. Qua đó đã tạo điều kiện cho các gia đình người có công, hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần giảm bớt khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp đối tượng yên tâm lao động, sản xuất. Trong giai đoạn 2013-2019, huyện đã tổ chức cấp thẻ BHYT cho đối tượng luôn đạt từ 95% trở lên. Huy động trẻ em trong độ tuổi đi học đạt 99%, học sinh được quan tâm hỗ trợ về chi phí học tập, cấp bù học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa... Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ tiền điện cho 16.449 hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 8.883 triệu đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, huyện đã hỗ trợ cho các hộ nghèo bằng tiền mặt theo đúng quy định để các đối tượng thụ hưởng chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống. Từ năm 2015-2018, tổng kinh phí thực hiện là 3.796,9 triệu đồng, hỗ trợ cho 37.969 nhân khẩu.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đình Lập giảm còn 17,64%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 13,45%. Huyện có 05/10 xã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 5%, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm theo mục tiêu của Chương trình 30a. Bằng việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, hạ tầng cơ sở của huyện đã có sự thay đổi rõ rệt, nhất là cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, huyện đã có 40% xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 57% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách giảm nghèo ở huyện Đình Lập còn một số khó khăn nhất định như: Việc thực hiện các bước về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm do chờ tỉnh thẩm định, phê duyệt chủ chương trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, việc triển khai thi công một số công trình gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn phân bổ cho các công trình dự án còn hạn hẹp dẫn đến nhu cầu nợ đọng cao, tiến độ thi công các công trình bị ảnh hưởng do thời tiến diễn biến bất thường, giao thông đi lại khó khăn.
Hạ tầng kinh tế xã hội của huyện còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, công nghiệp, thương mại dịch vụ chậm phát triển, sản xuất mang tính tự cung tự cấp. Vấn đề tạo việc làm sau đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn, người lao động chưa chủ động xin đi làm việc tại các cơ sở sản xuất ngoài huyện hay đi xuất khẩu lao động, chủ yếu vẫn là sản xuất tại nơi cư trú. Trình độ dân trí thấp nên nhận thức về học nghề và khả năng tiếp thu, vận dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất hạn chế. Một số ít hộ nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Công tác huy động các nguồn lực vào thực hiện Chương trình giảm nghèo còn hạn chế.
Theo UBND huyện Đình Lập, từ kết quả đạt được để triển khai hiệu quả Chương trình 30a cần thường xuyên có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền về công tác giảm nghèo; cần có sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để triển khai thực hiện. Có kế hoạch chi thiết đảm bảo phân bổ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả; phải thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chính sách, dự án của Chương trình. Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nắm rõ về mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, tích cực tham gia của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Chú trọng phát huy tính cộng đồng, cùng chung sức, huy động sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo; có sự tham gia tích cực của người dân, của chính người nghèo, hộ nghèo trong triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, dự án giảm nghèo, đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực, tạo động lực cho người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo./.
Minh Anh