Xã hội
Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh): Nỗ lực giúp người dân giảm nghèo bền vững
09:52 AM 27/02/2018
Với những giải pháp đa dạng, công tác giảm nghèo ở huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã thu được những kết quả quan trọng, trực tiếp tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện công tác giảm nghèo có hiệu quả, huyện Đầm Hà đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước. Đồng thời, phát huy sức mạnh của các lực lượng; trong đó trọng tâm ý thức tự giác của người dân, vai trò của cộng đồng và chính quyền cơ sở. Xác định rõ, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của người dân là yếu tố quyết định, cùng với sự hỗ trợ, giúp sức của cộng đồng để đảm bảo hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, hàng năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp ở Đầm Hà đã phát huy tốt vai trò công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và chủ động kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã vừa tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai thực hiện chương trình, mục tiêu giảm nghèo vừa tuyên truyền, động viên người dân tích cực phát huy nội lực trong thực hiện công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.
Nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ nông dân ở huyện
vùng cao Đầm Hà đã vươn lên thoát nghèo
Điểm nổi bật trong thực hiện giảm nghèo bền vững ở huyện miền núi Đầm Hà đó là địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, giới thiệu các mô hình giảm nghèo có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; giúp các hộ chủ động vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại… Căn cứ vào đặc điểm tình hình và kế hoạch của địa phương, huyện đã chủ động thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình dự án, hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội. Công tác vận động hỗ trợ hộ nghèo cũng luôn được các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội, các nhà hảo tâm tích cực ủng hộ, giúp đỡ. Thông qua đó đã giúp tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án, mô hình phát triển sản xuất, đặc biệt đối với các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tác động tích cực đến công tác giảm nghèo.
Đến thăm bản Thanh Sơn, xã Quảng Lợi (Đầm Hà), cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những ngôi nhà kiên cố khang trang đã dần thay thế cho những căn nhà lụp xụp. Anh Lỷ Dâu Si ở bản Thanh Sơn cho biết: Nhờ được cán bộ hướng dẫn cách làm ăn, phát triển lúa nước và nuôi gà thả vườn nên gia đình tôi đã có thêm thu nhập. Vừa rồi, được Nhà nước hỗ trợ gần 30 triệu đồng, tôi cố gắng vay thêm mọi người để xây dựng nhà mới. “Sắp tới, tôi sẽ phát triển thêm đàn gà và tăng diện tích trồng lúa để có tiền lo cho các con ăn học”, anh Si chia sẻ thêm.
Tìm hiểu được biết, hộ anh Lỷ Dâu Si chỉ là một trong số hàng nghìn lượt gia đình trên địa bàn huyện Đầm Hà được hưởng lợi từ công tác giảm nghèo bền vững. Chỉ tính riêng trong năm 2017, đã có 2.670 lượt người tại xã nghèo được tập huấn khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và được tiếp cận thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Nhờ đó, huyện Đầm Hà đã 513 hộ thoát nghèo; 595 hộ thoát cận nghèo; toàn huyện giảm được trên 460 hộ nghèo tuyệt đối. Tiêu biểu trong công tác giảm nghèo bền vững là các xã Quảng Lợi, Tân Bình, Đại Bình, Quảng Tân… và thị trấn Đầm Hà.
Song song với đó, huyện Đầm Hà còn quan tâm, triển khai có hiệu quả các giải pháp tạo việc làm cho người lao động địa phương. Theo đó, các ban, ngành, đoàn thể đã thực hiện tốt chương trình vay vốn giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất thu hút nguồn lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập cho người lao động. Đến cuối năm 2017, tổng số vốn vay giải quyết việc làm toàn huyện Đầm Hà đã giải ngân đạt trên 21 tỷ đồng. Trong năm đã có trên 1.000 lao động được tạo việc làm mới. Theo đồng chí Trần Việt Dũng - Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, tuy điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn song thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, công tác giảm nghèo bền vững đã được Huyện ủy, UBND huyện và các cơ quan chức năng triển khai có hiệu quả. Công tác giảm nghèo đã thực sự giúp người dân có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển và đẩy nhanh quá trình nông thôn mới ở địa phương.
Có thể thấy, với những giải pháp đa dạng và cách làm phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Thời gian tới, trên cơ sở sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, huyện Đầm Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững theo hướng tập trung khai thác các nguồn lực; chú trọng nâng cao thực chất đời sống người dân. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo bền vững, Đầm Hà cũng sẽ tăng cường việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh xã hội hóa công tác giảm nghèo bền vững…/.
PV