Xã hội
Huyện Đại Từ: Điển hình tiên tiến trong công tác thương binh - liệt sĩ
10:13 AM 16/05/2018
(LĐXH)- Là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bức thư ghi nhận sự ra đời ngày thương binh liệt sỹ 27/7, huyện Đại Từ chính là địa danh khởi nguồn của phong trào Đền ơn đáp nghĩa. Phát huy truyền thống tốt đẹp này, trong thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân huyện Đại Từ đã tham gia tích cực vào phong trào, tạo nguồn lực lớn hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần đối với các gia đình chính sách tại địa phương.
Thời gian qua, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, triển khai có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công. Đồng thời, huyện cũng thực hiện tốt chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con thương - bệnh binh.
Các chính sách ưu đãi như trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế, chăm sóc điều dưỡng sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, đồ dùng sinh hoạt, ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho của con người có công và các phong trào tình nghĩa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực và đơn thư khiếu nại nổi cộm…

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dâng hương tại Khu di tích quốc gia (Đại Từ - Thái Nguyên) dịp 27/7/2017

Các phong trào tình nghĩa, xã hội hoá chăm sóc người có công ngày càng được đẩy mạnh. Đến nay, hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sỹ có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân cùng địa bàn cư trú; 100% số xã, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.
Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, theo tiếng gọi của Tổ quốc, hàng ngàn thanh niên ưu tú huyện Đại Từ đã lên đường nhập ngũ, hàng trăm nghìn dân quân đã tham gia dân quân du kích, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… trực tiếp chiến đấu, phục vụ và bảo vệ Tổ quốc, trong đó góp phần bảo vệ vững chắc vùng đất An toàn khu kháng chiến, vùng vành đai trọng yếu của Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc.
Trong số đó có 1.458 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, 790 thương binh, 629 bệnh binh, 1.713 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và 101 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh những người con ưu tú của mình cho cách mạng.
Phát huy truyền thống là nơi khởi nguồn của phong trào đền ơn, đáp nghĩa, hơn 70 năm qua Đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân huyện Đại Từ đã tham gia tích cực vào phong trào Đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực lớn hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần đối với các gia đình chính sách tại địa phương. Ngoài nguồn vốn ngân sách hàng năm, huyện còn trích ngân sách cho công tác “Đền ơn đáp nghĩa”; kịp thời giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ giải quyết khó khăn về nhà ở.
Trong 5 năm gần đây (2012 - 2017), huyện Đại Từ đã trích quỹ Đền ơn đáp nghĩa  hỗ trợ các đối tượng thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ xây dựng và sửa chữa  55 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng, giúp đỡ các gia đình có cuộc sống ổn định, vận động ủng hộ trên 4 tỷ đồng. Nâng cấp, tu sửa, xây mới 21 nghĩa trang liệt sỹ cấp xã, và đài tưởng niệm huyện trị giá trên 10 tỷ đồng. Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 62 nghìn người có công, bình quân mỗi năm cấp phát trên 10 nghìn thẻ bảo hiểm y tế, điều dưỡng sức khỏe luân phiên, tập trung  và tại gia đình cho 5.568 lượt người kinh phí trên 8,8 tỷ đồng.
Nơi ghi dấu cách đây đúng 71 năm (27/7/1947 - 27/7/2018) chứng kiến sự ra đời của ngày Thương binh - Liệt sỹ
Hàng năm, ngân sách đã chi trả gần 100 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi người có công trên địa bàn huyện. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 và Tết Nguyên đán, các đồng chí lãnh đạo huyện đều tổ chức thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng trong huyện với gần 4.000 đối tượng được tặng quà/năm, kinh phí trên 2 tỷ đồng/năm. Vận động các đơn vị doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức tặng quà cho người có công trên 2.000 suất/năm. Đến nay trên toàn huyện đã có trên 98% gia đình chính sách người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương.  
Giai đoạn 2012 – 2017 huyện đã nâng cấp, tu sửa 1 Đài tưởng niệm liệt sỹ cấp huyện, với kinh phí trên 900 triệu đồng; xây mới, tu bổ, nâng cấp, di chuyển 20 nghĩa trang liệt sỹ, kinh phí 9,52 tỷ đồng đảm bảo khang trang sạch đẹp, có người trông nom, chăm sóc. Huyện đã phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh quy tập 3 hài cốt về nghĩa trang liệt sỹ địa phương. Các xã, thị trấn phối hợp với gia đình di chuyển hài cốt liệt sỹ từ các nghĩa trang khác về địa phương có trên 100 hài cốt được di chuyển về địa phương./.
Nguyễn Long