Xã hội
Huyện Cư M'gar làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
07:57 AM 27/06/2020
(LĐXH) - Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk những năm qua công tác người có công của huyện Cư M'gar luôn được thực hiện kịp thời, đúng và đủ theo quy định. Đời sống các gia đình chính sách trên địa bàn huyện từng bước được nâng lên ngang bằng và hơn với mức sống bình quân của người dân trong khu vực.

Hai vợ chồng bệnh binh Lê Hồng Sơn chụp hình kỷ niệm cùng đoàn công tác của Phòng LĐ-TB&XH huyện và Thị trấn Quảng Phú

Thực hiện chính sách kịp thời, đúng và đủ

Qua sự giới thiệu của Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M'gar Nguyễn Thị Ngọc, chúng tôi tìm đến nhà bệnh binh Lê Hồng Sơn – KP1, Thị trấn Quảng Phú, người mới được Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện Cư M'gar hỗ trợ 30 triệu đồng để xây mới nhà ở. “Quê tôi ở Quảng Nam, từ nhỏ theo cha di cư tới vùng đất Đắk Lắk này. Năm 1967 tôi lên núi theo cách mạng và được biên chế vào làm lính trinh sát của đơn vị. Bám địch, đánh nhau với Mỹ - Ngụy đến năm 1969 tôi bị thương và bị địch bắt. Đến năm 1974 được trả tự do trong đợt trao trả tù binh ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, tôi được điều chuyển về Binh đoàn Tây Nguyên, chiến đấu, làm việc đến ngày về nghỉ chế độ. Sinh sống bao năm đến nay gia đình tôi mới xây dựng được căn nhà mơ nước này. Để xây dựng được căn nhà này, ngoài tiền tiết kiệm của hai vợ chồng cùng các con, còn được Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện hỗ trợ cho 30 triệu đồng. Từ khi có nhà mới, gia đình tôi không còn sợ cảnh mưa lớn bị rột, gió to thì tốc mái tôn bay tứ lung tung nữa”: ngồi trong căn nhà khang trang, sạch đẹp người lích trinh sát năm xưa Lê Hồng Sơn vui mừng kể.

Khi đến thăm nhà Mẹ Việt Nam anh Hùng (VNAH) Phạm Thị Bụi (109 tuổi) ở KP4 – Thị trấn Quảng Phú đúng vào buổi trưa hè, nhiện độ ngoài trời lên đến 38 – 40 độ C. “Mẹ là một trong 6 Mẹ VNAH đang còn sống trên địa bàn huyện Cư M'gar và được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ xây, sửa lại nhà ở khang trang, sạch đẹp. Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp còn đăng ký chăm sóc, thăm nuôi và hỗ trợ mỗi mẹ từ 500.000 đồng đến 1.000 đồng/tháng”: qua giới thiệu của chị Nguyễn Thị Ngọc.

Tiếp chúng tôi, chị Lê Thị Phương (con gái Mẹ Phạm Thị Bụi) cho biết, căn nhà của gia đình được xây dựng từ nhiều năm trước. Cách đây khoảng 3 năm, nhà xuống cấp nên được Công ty Cà phê 15 (viết tắt là C15), đơn vị đăng ký thăm nuôi hằng hỗ trợ 75 triệu đồng để gia đình sửa chữa nâng cấp lại căn nhà này cho Mẹ. “Thời tiết mấy hôm nay quá nóng, ngủ không được, sức khỏe của mẹ tôi giảm nhiều không đi lại được. Rất vui khi các bạn nhân viên của C15 thường xuyên đến thăm hỏi và tặng quà cho mẹ.”: Chị Lê Thị Phương tâm sự.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M'gar, hằng năm ngoài việc thực hiện chi trả chế độ kịp thời cho các đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng theo quy định, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện còn hỗ trợ xây mới, nâng cấp nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng (mức hỗ trợ: 50 triệu đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 40 triệu đồng và hộ trung bình sẽ là 30 triệu đồng). Ngoài ra, Quỹ còn hỗ trợ tiền nhằm tạo điều kiện để các hộ chính sách và người có công phát triển kinh tế, chăn nuôi heo, bò, dê, gà,… Mức hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình chính sách, người có công của huyện từ 10 đến 15 triệu đồng/đối tượng. Thông qua Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hằng năm huyện còn tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho những đối tượng chính sách, người có công nếu bị bệnh với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 9.000.000 đồng/người (xét theo bệnh nặng nhẹ và đối tượng có công với cách mạng ít hay nhiều).

Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn hằng năm đều vận động đạt và vượt mức UBND huyện giao là 500 triệu đồng/năm. Với số tiền vận động được hằng năm Quỹ đều trình UBND huyện xét duyện tặng nhà, hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình chính sách làm kinh tế, tặng quà ốm đau cho các đối tượng chính, người có công trên địa bàn. “Khi các xã có đề nghị hỗ trợ cho các đối tượng lên Phòng LĐ-TB&XH, phòng sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống thực tế xem xét cụ thể, từng đối tượng, từng dự án phát triển kinh tế,… sau đó mới lên kế hoạch hỗ trợ. Hỗ trợ những cái các đối tượng cần, chứ không làm theo phong trào và bình quân. Theo đó, nhiều năm nay công tác chính sách đối với người có công trên địa bàn huyện Cư M'gar chưa xảy ra tình trạng thưa kiện hay có điều tiếng gì”: chi Ngọc tâm sự.

Chị Lê Thị Phương cho biết, C15 đã hỗ trợ 75 triệu đồng để gia đình sửa chữa nhà

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác người có công

   Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M'gar, hiện trên địa bàn đang quản lý gần 3.000 đối tượng chính sách và người có công, trong đó có trên 907 đối tượng đang hưởng chế độ thường xuyên hằng tháng, gồm: Bà mẹ VNAH, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người hưởng chế độ chất độc hóa học, thân nhân phục vụ người có công,… Nhằm thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng, những năm qua huyện Cư M'gar đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác người có công từ cấp huyện đến cấp xã, thôn buôn. Qua đó, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn.

Đối với công tác chi trả chế độ cho các  đối tượng chính sách, người có công, thân nhân người có công luôn dược thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đúng theo quy định. Riêng trong năm 2019, tổng số tiền chi trả toàn huyện đạt hơn 42,728 tỷ đồng (Trong đó: Trợ cấp người có công hằng tháng là hơn 20,558 tỷ đồng; Trợ cấp một lần hơn 1,164 tỷ đồng; Điều dưỡng gần 502 triệu đồng; Thờ cúng liệt sỹ hơn 199 triệu đồng; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình hơn 61 triệu đồng; Trợ cấp xã hội hằng tháng hơn 18,597 tỷ đồng; Mai táng phí, hỗ trợ đột xuất hơn 1,463 tỷ đồng). Ngoài ra, còn ưu đãi học sinh, sinh viên con thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ, người có công là 181.348.000 đồng.

Trong năm 2019, UBND huyện Cư M'gar còn thành lập các đoàn đi thăm và tặng 6.166 suất quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp lễ tết và ngày Thương binh – Liệt sĩ với tổng trị giá hơn 1,680 tỷ đồng. Hỗ trợ kinh phí cho 15 hộ gia đình chính sách, người có công xây dựng mới và sửa chữa nhà ở, với tổng số tiền là 260 triệu đồng (từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện; Ban hành Quy chế tổ chức và xây dựng mộ tại Nghĩa trang huyện Cư M’gar. Bên cạnh đó, trong năm huyện đã hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mộ 01 Mẹ VNAH; hỗ trợ ốm đau cho 26 đối tượng và viếng 22 đối tượng chính sách, người có công từ trần; giải quyết chế độ mai táng phí và trợ cấp 03 tháng cho 85 đối tượng chính sách, người có công,...

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M'gar, những năm qua công tác thực hiện Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công trên địa bàn luôn đạt được kết quả tốt, đáng ghi nhận, nhưng khi thực hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, công tác tuyên truyền một số chế độ, chính sách đối tượng chính sách người có công còn chưa sâu rộng; Công việc lại quá nhiều, một số công việc mang tính nhạy cảm, khó thực hiện trong khi một số cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH đôi khi còn chưa sâu sát với nhiệm vụ; Cán bộ cấp xã, thị trấn lại thường xuyên thay đổi, nên chưa chủ động, triển khai công tác còn chậm. Để công tác đền ơn đáp nghĩa luôn đạt thành tích tốt, thời gian tới Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M'gar tiếp tục thực quyết liệt trong công tác chi trả chế độ, chính sách cho người có công đúng quy định. Đồng thời, tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch tiếp tục tổ chức đoàn thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công nhân dịp lễ tết và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/2020; lên kế hoạch vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tiếp tục hỗ trợ, kiểm tra, giám sát và bàn giao nhà cho các hộ chính sách từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện: Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cư M'gar Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ.

Đăng Hải