Lao động
Huyện Bình Xuyên nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động
02:49 PM 20/11/2020
Theo kế hoạch, năm 2020 huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện giải quyết việc làm (GQVL) cho hơn 1.800 lao động, bao gồm các ngành nghề nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ, du lịch; xuất khẩu lao động; đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động, bao gồm các trình độ sơ cấp nghề; bổ túc văn hóa + dạy nghề; cao đẳng nghề và truyền nghề.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, huyện Bình Xuyên tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, của tỉnh về dạy nghề, GQVL giúp người lao động nhận thức được việc học nghề là quyền lợi, trách nhiệm và là cơ hội cho việc tiến thân lập nghiệp.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề gắn với GQVL cho người lao động, tăng cường các hoạt động nhằm hướng dẫn người lao động định hướng nghề phù hợp.
Tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn để đào tạo nghề “có địa chỉ” cho người lao động. Phân luồng học sinh sau THCS theo năng lực của học sinh, từ đó phụ huynh và các em xác định rõ định hướng nghề nghiệp cho bản thân.
Tuyên truyền đến người dân về chế độ, chính sách khi lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, cung cấp đầy đủ các thông tin về thị trường lao động (đơn hàng, số lượng, chi phí...) của các nước, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Người lao động làm hồ sơ vay vốn giải quyết việc làm
Quản lý chặt chẽ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tư vấn cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, những đơn vị chưa được cấp phép, chưa có sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền kiên quyết không cho tư vấn tại địa phương và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý. Lấy kết quả giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, lao động qua đào tạo của các địa phương làm cơ sở đánh giá xếp loại thi đua hằng năm đối với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề, GQVL trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả khả quan. Từ đầu năm đến tháng 10/2020, toàn huyện đã GQVL cho gần 1.300 lao động, đạt hơn 70% kế hoạch. Thực hiện đào tạo nghề các trình độ cho hơn 900 người, đạt hơn 93% kế hoạch.
Bên cạnh đó, toàn huyện thực hiện giải ngân hơn 29 tỷ đồng thông qua vay vốn Quỹ Quốc gia GQVL để thực hiện các dự án GQVL vừa và nhỏ ở một số lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, cụ thể: Nguồn Quỹ quốc gia GQVL cho gần 50 người với số tiền hơn 2 tỷ đồng, vốn Ngân hàng CSXH GQVL cho gần 220 người với số tiền hơn 10 tỷ đồng, vốn địa phương GQVL cho gần 400 người với số tiền gần 17 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên chia sẻ: “Do tác động của dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô nên nhu cầu lao động bị suy giảm nghiêm trọng.
Cùng với đó, công tác quản lý về dạy nghề và giải quyết việc làm ở cấp huyện cũng gặp nhiều khó khăn bởi các thông tin về giải quyết lao động và dạy nghề do cấp xã, thị trấn cung cấp còn chưa kịp thời, người lao động tự tìm việc làm không thông qua cán bộ lao động cấp xã, thị trấn.
Cán bộ làm công tác lao động việc làm, dạy nghề các xã, thị trấn phải kiêm nhiệm nhiều việc chưa dành được thời gian để tìm hiểu, tham mưu lãnh đạo địa phương ngành nghề cần đào tạo cho lao động, do vậy kết quả đạt được chưa cao. Người lao động chưa thực sự quan tâm đến học nghề, GQVL, chủ yếu vẫn tự làm theo ý thích, suy nghĩ cá nhân nên ảnh hưởng rất lớn đến kết quả GQVL ở địa phương”.
Từ nay đến cuối năm, để phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện Bình Xuyên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền; lồng ghép các chương trình hoạt động của ngành, đơn vị, địa phương gắn liền với GQVL, nhất là xuất khẩu lao động.
Cung cấp thông tin kịp thời cho người lao động về chủ trương, chính sách, chế độ, thị trường lao động, khuyến khích người dân chuyển đổi nghề nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tạo nhiều việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Phân luồng học sinh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cả học sinh và phụ huynh về định hướng nghề để các em nhận thức về việc làm và nắm bắt nhu cầu cũng như đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Làm tốt công tác phối hợp trong đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cho lao động được tạo nguồn giữa doanh nghiệp dịch vụ, trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm xuất khẩu lao động và Trung tâm GDNN-GDTX của huyện. Đồng thời, đặt hàng với Trung tâm GDNN-GDTX của huyện mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề cho lao động đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Nguyễn Khánh