Lao động
Huy động nhiều nguồn lực cho vay vốn tạo việc làm
05:54 PM 11/10/2018
Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện nay vẫn còn hạn chế khi mới chỉ đáp ứng từ 30 - 35% nhu cầu vốn tạo việc làm. Do đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay, cần huy động nhiều nguồn lực khác nhau.
Ngày 11/10, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm giai đoạn 2016 – 2020.
Vốn cho vay giải quyết việc làm đạt gần 14.600 tỷ đồng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, đến nay nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt trên 4.497 tỷ đồng, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2018, doanh số cho vay hằng năm đạt khoảng 2.500 – 3.000 tỷ đồng.  
Nếu tính cả nguồn vốn ủy thác từ địa phương, nguồn huy động của NHCSXH, tính đến ngày 30/9/2018, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 14.599 tỷ đồng, doanh số cho vay giai đoạn 2016 - 2018 đạt 15.447 tỷ đồng, với trên 487.000 lượt khách hàng được cho vay vốn.
Toàn cảnh hội nghị
Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, hoạt động cho vay vốn từ quỹ vẫn còn những khó khăn như: chất lượng việc làm tạo ra chưa cao với hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; đối tượng vay là các cơ sở sản xuất kinh doanh thấp; nguồn vốn cho vay từ quỹ còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng 30 - 35% nhu cầu vốn tạo việc làm.
Bên cạnh đó, một số quy định về cho vay vốn từ quỹ chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là lãi suất cho vay từ quỹ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Trong khi đó, đây không phải là đối tượng ưu tiên dẫn đến tâm lý ỷ lại của các đối tượng nên không khuyến khích họ trả nợ đúng hạn và tạo sự không công bằng với các chương trình tín dụng khác của NHCSXH.
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, trong giai đoạn tới khi thị trường lao động ngày càng phát triển, nhu cầu việc làm chất lượng, khởi nghiệp của người lao động ngày càng lớn thì nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động thanh niên… sẽ tạo ra nhiều thách thức hơn đối với hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm.
Đa dạng các nguồn vốn cho vay
Từ những thực tế như vậy, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay cần đảm bảo nguồn vốn từ quỹ đáp ứng nhu cầu vay vốn. Trong trường hợp nguồn vốn không đủ thì cần có cơ chế linh hoạt cho NHCSXH huy động các nguồn lực để tăng nguồn vốn vay, cũng như nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hỗ trợ tạo việc làm qua NHCSXH.
Cùng với đó là cần sửa đổi quy định về lãi suất cho vay từ quỹ hiện nay đang bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, nhằm đảm bảo sự hỗ trợ về lãi suất cho vay vốn đối với người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh..., nhưng vẫn phù hợp với các chương trình tín dụng khác của NHCSXH. Từ đó, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thu lãi, trả nợ đúng hạn cũng như tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước trong việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho nguồn vốn huy động của NHCSXH.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam cho rằng, dù nguồn vốn từ quỹ có vai trò quan trọng giúp người lao động sau khi học nghề có vốn để tạo việc làm, sinh viên ra trường lập nghiệp…, song vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay là nguồn để thực hiện cho vay.
Theo ông Lý, mặc dù Nghị định 61/2015/NĐ-CP ra đời sau 3 năm nguồn vốn đã có sự khởi sắc rất lớn, tuy nhiên nếu so với nhu cầu vay vốn thực tế thì còn rất hạn chế. “Vấn đề hiện nay là cần tăng nguồn vốn lên, riêng NHCSXH sẽ ưu tiên cho việc bố trí nguồn vốn, năm 2016 chúng tôi đã bố trí thêm được 600 tỷ đồng, năm 2017 bố trí được 1.200 tỷ đồng, 9 tháng năm nay đã bố trí được 1.800 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2018 là trên 2.000 tỷ đồng. Đương nhiên để tạo ra nguồn vốn “hùng hậu” cần phải có đa nguồn”, ông Lý thông tin.
Đại diện NHCSXH cho biết thêm, đơn vị này cũng đang tham mưu cho các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay giải quyết việc làm./.
Mai Đan