Xã hội
Huy động nguồn lực giúp đồng bào thiểu số ở Ninh Thuận thoát nghèo
11:20 AM 22/09/2017
(LĐXH) - Tỉnh Ninh Thuận nằm ở vùng khô hạn của miền ven biển cực Nam Trung Bộ, hơn nửa diện tích là miền núi. Tại đây, đồng bào Raglai có số lượng dân xếp thứ 2 trong nhóm dân tộc thiểu số, chiếm 10%, nhưng hộ nghèo trong nhóm dân tộc Raglai có tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, trong số 33,15% hộ nghèo DTTS thì hộ nghèo là người Chăm chỉ chiếm 7,99%, ngược lại hộ nghèo là người Raglai chiếm đến 45,32%.

Những năm qua, Ninh Thuận rất nỗ lực giúp đồng bào nâng cao nhận thức bằng cách hướng dẫn bà con tiếp cận, ứng dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật để thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, sử dụng hiệu quả đồng vốn được hỗ trợ để tăng thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Nhằm mở hướng phát triển chăn nuôi gia súc có sừng tại các vùng miền núi trên địa bàn, từ các nguồn vốn của trung ương và huy động các nguồn lực xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện chương trình hỗ trợ bò giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, vỗ béo bò, nuôi bò sinh sản cho đồng bào Raglai.

Niềm vui của hộ dân được tặng bò giống

Từ năm 2012, Dự án Ngân hàng bò đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại Ninh Thuận. Bước đầu, 130 hộ nghèo ở hai xã Phước Chính và Phước Trung (huyện Bác Ái) được hỗ trợ mỗi hộ một con bò cái sinh sản. Từ số lượng bò cái qua thời gian sinh sản, đến nay, Dự án Ngân hàng bò đã phát triển tăng thêm hơn 200 con. Nhiều hộ phát triển đàn bò gần chục con, gây dựng vốn liếng hàng trăm triệu đồng, vừa ổn định đời sống vừa có điều kiện đầu tư trồng cỏ để vỗ béo bò, ngày càng sinh lợi nhiều hơn.

Để làm được điều này, ngay từ khi dự án được vận hành, huyện Bác Ái đã thành lập Ban quản lý dự án và cử cán bộ thực hiện “ba cùng”: Cùng ăn, cùng ở, cùng nuôi, để hướng dẫn người dân cách chăm sóc cho đến khi bò mẹ sinh bê con, số bê này lại được mang đi hỗ trợ cho hộ nghèo khác nuôi dưỡng để tạo vốn. Hộ nuôi ban đầu tiếp tục giữ lại bò mẹ và được xem là chủ sở hữu con bò mẹ đó. Nhận thấy hiệu quả tích cực của Dự án,  người dân đã tham gia vào các tổ tự quản để giám sát việc thực hiện của các hộ tham gia dự án theo đúng quy định, cho nên số lượng đàn bò của dự án ngày càng tăng lên. Tới đây, các hoạt động của dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng các xã miền núi khác trên địa bàn tỉnh.

Cùng với nguồn lực của trung ương, Ninh Thuận đã vận động các doanh nghiệp cùng giúp đồng bào xóa nghèo bằng nhiều hình thức, từ hỗ trợ kinh phí mua giống, khảo sát điều kiện tự nhiên để tìm hiểu môi trường sinh sống của vật nuôi đến tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn cho bà con tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp...

Nhờ tiếp cận kỹ thuật sản xuất, đời sống bà con dân tộc miền núi

đang từng bước được cải thiện

Trên thực tế, xuất phát điểm của đồng bào dân tộc vùng núi thấp hơn rất nhiều so với vùng đồng bằng, hơn nữa, các điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng, văn hóa, thu nhập, giao thông ở các huyện miền núi của Ninh Thuận cũng còn nhiều bất lợi làm ảnh hưởng đến kinh tế hộ cũng như về đời sống, các tiêu chí tiếp cận đa chiều liên quan. Do đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo, giảm dần khoảng cách kinh tế - xã hội vùng miền, địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện; khắc phục dần tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” trong một bộ phận người dân; khuyến khích và nhân rộng những điển hình phát triển kinh tế giỏi trong vùng đồng bào đồng bào dân tộc để thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng phát triển.

Cùng với đó, cần có sự huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số để từng bước đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gắn với tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo; đổi mới tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo bền vững. Dựa vào cơ cấu nghèo dân tộc thiểu số, cần có những chính sách phù hợp với đối tượng ở từng địa phương để giúp tỷ lệ nghèo, cận nghèo giảm bền vững hơn./.

Trần Huyền