Lao động
Hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về ATVSLĐ năm 2018: Đồng Nai tập trung truyền thông về ATVSLĐ cho doanh nghiệp và người lao động
09:24 AM 03/05/2018
(LĐXH)- Năm 2018, năm thứ hai cả nước thực hiện tháng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Lễ phát động hưởng ứng cấp quốc gia được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng ngày 6-5. Đồng Nai là một tỉnh có nhiều công nhân lao động; tỉnh có nhiều hoạt động hưởng ứng tháng hành động, Giám đốc Sở Lao động- thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) Huỳnh Văn Tịnh trao đổi với phóng viên những nội dung sau 1 năm đầu thực hiện tháng hành động theo Luật ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Tịnh – Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Đồng Nai trao đổi với với phóng viên

PV: Xin ông đánh giá tình hình ATVSLĐ sau năm đầu thực hiện tháng hành động quốc gia về công tác này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai?

Ông Huỳnh Văn Tịnh: Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh Đồng Nai cùng cả nước thực hiện tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ. Nhìn lại 1 năm thực hiện, công tác này có chuyển biến rõ nét. Cụ thể, có 742/29.062 doanh nghiệp báo cáo cho thấy, toàn tỉnh đã xảy ra 1.218 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm 1.428 người bị nạn, trong đó có 28 vụ chết người làm 29 người tử vong (so năm 2016 giảm 5 vụ chết người và giảm 4 người chết). Thiệt hại về vật chất trên 13,7 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 98 doanh nghiệp tổ chức khám bệnh nghề nghiệp (BNN) cho 16.774 lao động, phát hiện 21 người mắc mới BNN được tổ chức bố trí công việc phù hợp...

Phân tích nguyên các vụ TNLĐ cho thấy có 59% do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ. Có 21% nguyên nhân do người lao động vi phạm quy trình, nội quy an toàn lao động; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và các nguyên nhân khác. TNLĐ chết người rơi chủ yếu ở các lĩnh vực như xây dựng, ngã cao, cuốn vào máy, chập điện chiếm tỷ trọng lớn (chiếm gần 75%).

Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động lần I với sự tham gia của 534 đại biểu, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; phối hợp các cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan báo, đài, sở Văn hóa thể thao và du lịch tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư về công tác ATVSLĐ- PCCC; thăm các nạn nhân bị TNLĐ nặng hoặc gia đình có người bị chết do TNLĐ; UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra trước và trong tháng hành động ở các doanh nghiệp; triển khai 1.400 phiếu tự kiểm tra thực hiện công tác ATVSLĐ; phát hành trên 3000 tờ gấp, 330 áp phích, 80 băng rôn, 900 cờ phướn treo tại các KCN, khu dân cư, chợ trên địa bàn; hướng dẫn 735 doanh nghiệp hưởng ứng tháng cao điểm hành động cùng nhiều hoạt động thiết thực khác…nên đã góp phần chuyển biến công tác ATVSLĐ so với những năm trước đó.

PV: Có một thực tế như ông trao đổi, TNLĐ còn diễn biến phức tạp, chủ yếu trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng. Vậy công tác phối hợp giữa Sở LĐ-TBXH, Sở Xây dựng và các ngành chức năng nhằm hạn chế TNLĐ được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Tịnh: Thực tế thời gian qua, Sở LĐ-TBXH đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, nhất là Liên đoàn Lao động tỉnh, Cảnh sát PCCC, Sở Xây dựng trong tuyên truyền, kiểm tra giám sát các hoạt động liên quan đến công tác ATVSLĐ. Tuy nhiên, TNLĐ, nhất là tai nạn nghiêm trọng gây chết người đã xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, ngã cao, trong các loại hình doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ…. nên thời gian tới, Sở LĐ-TBXH sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với ngành chức năng rà soát lại số doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp chưa thực hiện tốt các nội dung về ATLĐ để tập trung có kế hoạch hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, hạn chế nguy cơ TNLĐ rủi ro và ra thời hạn khắc phục tồn tại hạn chế. Nếu doanh nghiệp sau khi được hướng dẫn, giúp đỡ thực hiện tốt thì đề xuất khen thưởng, biểu dương doanh nghiệp thực hiện không tốt hoặc cố tình vi phạm sẽ bị đề nghị thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm túc.

PV: Thưa ông, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 20 về hạn chế việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp, chống trùng chéo trong quá trình kiểm tra. Nhưng thực tế khi kiểm tra, nhất là sau đợt giám sát của HĐND tỉnh mới đây đã phát hiện nhiều tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực ATVSLĐ, ngành lao động có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Huỳnh Văn Tịnh: Thực tế kiểm tra, giám sát thời gian qua cho thấy, TNLĐ, BNN vẫn diễn biến phức tạp, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ….còn nhiều hạn chế. Mặt khác, Đồng Nai là một tỉnh công nghiệp có trên 29.000 doanh nghiệp với trên 1 triệu lao động làm việc nên việc thực hiện Luật ATVSLĐ phải được coi trọng. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và toàn xã hội phải chấp hành nghiêm công tác ATVSLĐ, nhất là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng như ngành nghề khác nên việc thanh, kiểm tra doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thực hiện. Để tránh trùng chéo và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, Sở LĐ-TBXH sẽ phối hợp với Cảnh sát PCCC, Thanh tra tỉnh để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra phù hợp vừa đảm bảo hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt Luật ATVSLĐ-PCCN mà vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Tuy nhiên trong khi thanh, kiểm tra chúng tôi sẽ tập trung vào “diện” đối với những doanh nghiệp có nguy cơ cao TNLĐ, chưa thực hiện hoặc cố tình không thực hiện Luật ATVSLĐ để hỗ trợ, hướng dẫn và cho thời gian khắc phục. Sau  thời gian quy định, nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ phối hợp đề xuất thanh tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

PV: Năm 2018, năm thứ hai thực hiện tháng ATVSLĐ theo Luật, tỉnh Đồng Nai sẽ có những hoạt động cụ thể gì thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Tịnh: Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ năm 2018 có chủ đề: “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ và BNN”; tỉnh sẽ tham dự lễ phát động cấp quốc gia. Trên địa bàn không tổ chức lễ phát động cấp tỉnh nhưng sẽ sơ kết và tổng hợp tình hình an toàn vệ sinh lao động trong năm đầu thực hiện theo Luật ATVSLĐ. Qua đó, đề nghị khen thưởng những đơn vị làm tốt; khảo sát TNLĐ diễn ra chủ yếu ở những ngành, lĩnh vực nào và phân tích nguyên nhân để xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Cụ thể, Sở sẽ phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch đảm bảo ATVSLĐ theo từng nhóm ngành, nghề, nhất là lĩnh vực dễ TNLĐ; phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành chức năng tổ chức truyền thông về ATVSLĐ, trong đó tập trung chủ yếu người sử dụng lao động và người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tiếp tục lập các đoàn kiểm tra theo kế hoạch của UBND tỉnh tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ, doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ để hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.

Hướng dẫn các doanh nghiệp, KCN treo băng rôn, tự tổ chức mít tinh, hưởng ứng và tự kiểm tra, tuyên truyền cho người lao động chấp hành nghiêm pháp luật về ATVSLĐ; biểu dương các doanh nghiệp có nhiều sáng kiến trong thực hiện pháp luật về ATVSLĐ như thi an toàn lao động, sáng kiến 100 ngày không có TNLĐ, làm việc luôn an toàn; phối hợp thăm, tặng quà các trường hợp bị TNLĐ nặng hoặc gia đình có người chết do TNLĐ. Phối hợp với Cảnh sát PCCC tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ- PCCN trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông người lao động và những nơi có nguy cơ cao mất an toàn lao động…

PV: Xin cảm ơn

Nguyệt Trinh

(thực hiện)