Thời sự
Hướng tới việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình trong ASEAN
04:06 PM 09/10/2017
(LĐXH) - Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Dự án Tam giác của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, ngày 9/10/2017 tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Cuộc họp quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn lao động di cư ASEAN lần thứ 10.
Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) là một hoạt động thường niên được tổ chức tại nước chủ nhà ASEAN trong khuôn khổ hoạt động của Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. Tham gia Diễn đàn AFML có đại diện tới từ các cơ quan Chính phủ phụ trách lao động, tổ chức của người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức xã hội. Những khuyến nghị và và giải pháp nhằm thúc đẩy quyền của người lao động di cư được đưa ra tại Diễn đàn tạo cơ sở xây dựng, thực hiện các hoạt động cấp quốc gia và khu vực.

Bàn Chủ tịch điều hành cuộc họp.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hôi Doãn Mậu Diệp cho biết, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, lao động di cư là một phần không thể tách rời giữa các nền kinh tế. Người lao động di cư đã góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đối với cả quốc gia phái cử và tiếp nhận lao động. Nhận thức được vai trò của di cư, các quốc gia thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền được làm việc và an sinh xã hội đối với bản thân người di cư và gia đình họ.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc Hội nghị.
Sau 9 Diễn đàn  khu vực đã được tổ chức, Diễn đàn AFML lần thứ 10 năm nay sẽ được diễn ra tại Thủ đô Manila, Phi-líp-pin từ ngày 25-26/10/2017 với chủ đề “Hướng tới thúc đẩy việc làm bền vững cho lao động di cư giúp việc gia đình trong ASEAN”, tập trung vào hai nội dung chính bao gồm: (i) các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về bảo vệ lao động di cư giúp việc gia đình; (ii) thực hiện các chính sách và các dịch vụ hỗ trợ.
Ông Chang-Hee- Lee, Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội.
Được biết, lao động giúp việc gia đình đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tuy nhiên những lao động này vẫn thuộc nhóm lao động yếu thế và không được bảo vệ. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hiện có hơn 53 triệu lao động giúp việc gia đình trên toàn cầu trong đó tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương chiếm số lượng 21 triệu lao động. Phần lớn lao động giúp việc gia đình là phụ nữ (chiếm hơn 80%), họ đã đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế và thịnh vượng chung cho quốc gia tiếp nhận lao động. Tuy nhiên, do bản chất công việc làm việc trong một môi trường khép kín, bị đánh giá thấp, thường không được ràng buộc bởi các điều khoản rõ ràng về việc làm và không được bảo vệ bởi pháp luật lao động. Do đó, điều này dẫn tới mức lương thấp và điều kiện làm việc cho họ thường không đảm bảo
Bà Anna Coleman, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Australia tại Hà Nội
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, mức lương thấp còn liên quan đến việc thiếu thời giờ làm việc cố định, một đặc điểm chung ở nhiều nước trên thế giới. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn đối với những người giúp việc sống cùng với chủ nhà. Họ được kỳ vọng có thể sẵn sàng làm việc 24/7 để đáp ứng muôn vàn các yêu cầu khác nhau của người sử dụng lao động và gia đình. Họ thường phải đối mặt với tình trạng bóc lột sức lao động, thậm chí bị xâm hại tại chính gia đình chủ mà họ đang sinh sống và làm việc. Do vậy, việc lựa chọn chủ đề “Hướng tới việc làm bền vững cho lao động di cư giúp việc gia đình trong ASEAN” cho Diễn đàn khu vực năm nay là hết sức thiết thực nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động cũng như giúp họ có việc làm đảm bảo hơn và được tiếp cận an sinh xã hội.

Bà Anna Olsen trình bày về bối cảnh của ILO về

“Hướng tới việc làm bền vững cho lao động giúp việc gia đình trong ASEAN”

Tại Việt Nam, cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về lao động giúp việc gia đình ngày càng tăng trong khoảng chục năm trở lại đây. Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong việc tăng cường bảo vệ về pháp lý cho người giúp việc gia đình thông qua Bộ Luật Lao động năm 2012 và Nghị định 27 năm 2014. Các văn bản này đưa ra quy định về mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm, làm việc vào dịp lễ Tết, thời gian nghỉ ngơi tối thiểu và nghỉ phép hàng năm cho những người lao động trong nhóm này. Việt Nam cũng đang xem xét phê chuẩn Công ước về Lao động giúp việc gia đình của ILO (Công ước 189) vào năm 2020. Công ước này được thông qua sáu năm trước đây, đánh dấu cột mốc quan trọng tăng cường bảo vệ cho 53 triệu người lao động giúp việc gia đình trên thế giới bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được áp dụng riêng với loại hình lao động này.
Các đại biểu tham gia cuộc họp chụp ảnh lưu niệm.
Với mục tiêu rà soát các hoạt động cấp quốc gia trong việc triển khai khuyến nghị của các Diễn đàn AFML trước đây, đồng thời thảo luận chủ đề và đề xuất các khuyến nghị của Việt Nam, Hội nghị sẽ là cơ sở để đưa ra các khuyến nghị trong khu vực tại Diễn đàn AFML lần thứ 10 sắp tới tại Thủ đô Manila, Phi-líp-pin.

Nam Khánh