Xã hội
Hướng tới một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
06:53 AM 15/11/2018
(LĐXH) - Sáng ngày 14/11/2018 tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cấp quốc gia năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”.
Tham dự Lễ phát động có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà; Phó Bí thư thường trực Thành ủy – Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cơ quan trung ương và địa phương, các đối tác quốc tế cùng hơn 800 học sinh, sinh viên và người dân tại địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Lễ phát động
Phát biểu khai mạc Lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc bình đẳng giới, như một cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Điểm nổi bật trong thực thi bình đẳng giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới đã tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khoảng cách giới trong cả 08 lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội quy định tại Luật Bình đẳng giới được rút ngắn đáng kể. Một số mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động việc làm, giáo dục, y tế đạt kết quả tốt. Nhiều chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt kế hoạch đề ra ngay từ khi mới bắt đầu thực hiện, đến nay đã có một số chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Thứ trưởng cho rằng “Bình đẳng giới là chìa khoá để xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới” - Thông điệp được sử dụng xuyên suốt trong Tháng hành động các năm 2016, 2017 là định hướng chính cho công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Nhiều bộ, ngành, địa phương, đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức ban hành các kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới với các hình thức và đối tượng truyền thông đa dạng, thiết thực.
Thông qua việc triển khai Tháng hành động đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Trong thời gian qua đã có nhiều vụ bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em được các phương tiện thông tin đại chúng và người dân phản ánh, đưa ra ánh sáng để đòi lại công bằng cho nạn nhân. Ngày càng có nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực, nhiều thủ phạm gây bạo lực đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật. Nếu như hơn 10 năm về trước cụm từ “bình đẳng giới”, “phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” còn là xa lạ với người dân, thì nay đã được nhắc đến nhiều hơn, ngay cả các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các đại biểu tham dự buổi lễ
Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Để đạt được những tiến bộ này, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan và các địa phương, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm tạo chuyển biến của xã hội về nhận thức và hành động đối với công tác này. Nhìn lại chặng đường đã qua, bên cạnh những thành tựu đã đạt được vẫn còn những thách thức trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là với trẻ em gái ở Việt Nam. Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn được xem là trở ngại lớn trong việc xoá bỏ bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Bạo lực trên cơ sở giới không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nạn nhân mà còn tác động và là rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một xã hội bình đẳng là một xã hội không có bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó sẽ trở thành hiện thực nếu tất cả các cấp, các ngành, toàn thể cộng đồng cùng cam kết và có các hành động cụ thể, thiết thực. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà kêu gọi các cấp, các ngành, cộng đồng hãy đồng hành cùng ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Thứ trưởng tin tưởng rằng với sự nỗ lực của tất cả cộng đồng, bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em sẽ không còn là trở ngại trong tiến trình đạt được bình đẳng giới tại Việt Nam.
Cam kết thực hiện muc tiêu bình đẳng giới bà bạo lực trên cơ sở giới
Việc lựa chọn chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và nam giới trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và cam kết về một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.  
Điểm nhấn của Lễ phát động năm nay chính là Lễ ký kết Hưởng ứng Tháng hành động của các Sở, ban ngành của thành phố Cần Thơ cũng như trao nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng có chủ hộ là nữ và trao quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Nhiều sự kiện bên lề Lễ phát động cũng sẽ đồng loạt được tổ chức để tạo hiệu ứng về truyền thông như nhảy flash mob, đạp xe diễu hành của 100 đoàn viên thanh niên của Thành phố Cần Thơ.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020. Đây là năm thứ ba Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Tháng hành động.

Hà Giang