Xã hội
Hướng tiếp cận an sinh xã hội đối với lao động khuyết tật
12:21 PM 02/12/2016
Với hơn bảy triệu người khuyết tật (NKT), chiếm tới 7,8% dân số, Việt Nam được xem là nước có tỷ lệ NKT cao trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phần lớn NKT Việt Nam khó tiếp cận các chính sách an sinh xã hội (ASXH). Bảo đảm ASXH cho NKT nói chung và NKT trong độ tuổi lao động đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi cần có những cách tiếp cận và giải quyết mới trong việc thực hiện các chính sách ASXH.
Những rào cản đối với lao động khuyết tật
Báo cáo “ASXH cho lao động là NKT ở Việt Nam” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Haans Seidel Foundation khảo sát, nghiên cứu cho thấy, các hoạt động sinh kế của người lao động khuyết tật đang gặp rất nhiều khó khăn do có trình độ và sức khỏe kém hơn, vận động khó khăn hơn. Theo thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của NKT khá thấp, chỉ đạt 44,7% so tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong độ tuổi là 72,03%. Có đến 21% số NKT không tham gia lao động do mất khả năng lao động. Việc làm của NKT không bền vững và dễ bị tổn thương, với tỷ lệ làm công hưởng lương chỉ chiếm 14,28%, chỉ bằng một phần hai so nhóm không khuyết tật. Đáng chú ý, tỷ lệ lao động khuyết tật trong khu vực Nhà nước rất thấp, chỉ chiếm 4,7%. Trong khi đó, tại khu vực phi chính thức có tới 89,1% lao động khuyết tật làm việc tại hộ kinh doanh cá thể và 3,4% trong khu vực tư nhân... Đồng thời, NKT ở Việt Nam có nguồn vốn sinh kế kém, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Số lao động khuyết tật được tham gia các nguồn vay rất hạn chế, thường chỉ tập trung ở những thành phố lớn, chưa có nguồn vốn vay dành riêng cho cá nhân NKT. Thêm vào đó, việc xét duyệt đối tượng vay tại cơ sở, hoàn tất các thủ tục, giấy tờ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Phần lớn lao động khuyết tật đều nghèo, không ít các khoản vốn vay của họ rơi vào nợ xấu, nợ khó đòi. Có tới 49,4% NKT sống trong hộ nghèo và cận nghèo; 82,2% hộ gia đình có NKT chỉ bảo đảm đáp ứng được nhu cầu cơ bản như ăn, ở, mặc cho NKT...
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của NKT khá thấp, chỉ đạt 44,7%
Trong khi đó, việc tiếp cận các chính sách ASXH như: BHXH, BHYT vô cùng khó khăn bởi các chính sách không có ưu đãi riêng cho NKT. Chỉ có 10,8% số NKT tham gia BHXH (trong đó 8,7% tham gia BHXH bắt buộc, 2,1% tham gia BHXH tự nguyện), còn gần 90% không tham gia BHXH, 31% không tham gia BHYT, mà nguyên nhân chính là không có khả năng về tài chính do việc làm bấp bênh và thu nhập thấp...
Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết: Hiện NKT nước ta gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường lao động như: Thiếu cơ hội việc làm, chưa được đào tạo nghề đúng mức cũng như tư vấn chọn nghề. NKT thiếu thông tin tìm kiếm, lựa chọn công việc phù hợp. Kênh tìm việc chủ yếu thông qua giới thiệu của người thân, bạn bè. Thế nhưng, NKT lại thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao. Bên cạnh đó, có tới 31% số NKT chưa tham gia BHYT, hệ thống trang thiết bị chưa thật sự phù hợp với NKT. Công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị lạc hậu, thiết thốn. NKT còn gặp khó khăn trong tiếp cận các công trình công cộng, khó khăn khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cũng như tham gia giao thông... Đồng thời, cơ hội đi học của NKT bị hạn chế, thời gian đi học ngắn hơn so với lao động không khuyết tật, ở các cấp học càng cao thì khoảng cách này càng lớn. Vì thế, trình độ chuyên môn của lao động khuyết tật còn thấp. Khuyết tật càng nặng thì cánh cửa để có việc làm “tốt”, việc làm “chính thức” càng xa. Lao động khuyết tật vẫn chủ yếu làm nghề giản đơn (46,9%) và trong khu vực nông nghiệp (29,4%), một lĩnh vực có thu nhập thấp và điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác... Nguyên nhân chính là do chính sách về thời gian hỗ trợ, chương trình, phương thức dạy học nghề chưa phù hợp với lao động khuyết tật. Nhà nước cũng không quy định doanh nghiệp bắt buộc phải nhận lao động khuyết tật mà chỉ quy định khuyến khích, chưa có quy định cụ thể về việc bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho NKT. Bên cạnh đó, chưa kể còn nhiều doanh nghiệp từ chối tuyển dụng NKT do có sự phân biệt kỳ thị; cơ sở hạ tầng như nhà xưởng, lối đi, cầu thang, nhà vệ sinh, điều kiện, môi trường làm việc chưa phù hợp với NKT.
Tìm hướng tiếp cận ASXH mới đối với NKT
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động –TBXH), bảo đảm ASXH cho NKT đang trong độ tuổi lao động là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách tốt để bảo đảm NKT hòa nhập như: Hỗ trợ việc làm, giúp NKT tham gia vào thị trường lao động, hỗ trợ sinh kế, BHXH, BHYT… Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ASXH đối với NKT, nhất là nhóm NKT có nhu cầu việc làm cũng còn hạn chế nhất định. Phần lớn NKT gặp nhiều rào cản khi tham gia thị trường lao động, khó khăn trong học nghề, tìm kiếm việc làm, năng suất lao động thấp dẫn đến thu nhập thấp... Để giải quyết vấn đề ASXH đối với lao động khuyết tật cần có hướng giải quyết, tiếp cận mới trong thời gian tới như tập trung vào hệ thống ASXH phi chính thức và xây dựng những cấu phần ASXH đối với các nhóm đặc thù như NKT...
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách đối với NKT, cần phát triển hệ thống ASXH phi chính thức. Điều này có vai trò quan trọng trong việc phát triển vốn sinh kế, hoạt động sinh kế và kết quả sinh kế của NKT. Hệ thống ASXH phi chính thức có tính linh hoạt cao, dễ tiếp cận, có thể bù đắp những thiếu hụt, khoảng trống mà hệ thống ASXH chính thức chưa thực hiện được đối với những đối tượng NKT có nhu cầu nhưng chưa nằm trong diện được hỗ trợ của Nhà nước. Các đối tác tham gia vào mạng lưới ASXH phi chính thức đối với lao động khuyết tật chính là gia đình, người thân, cộng đồng, tổ chức xã hội từ thiện, các nhà hảo tâm và chính những NKT có cùng cảnh ngộ hỗ trợ lẫn nhau...
Cùng với đó, việc bảo đảm ASXH cho lao động khuyết tật không chỉ tập trung vào đáp ứng nhu cầu thực tiễn của NKT như: Ăn, ở, mặc, đi lại, y tế và chăm sóc sức khỏe, mà còn hướng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm việc làm, thu nhập cho lao động khuyết tật, bảo đảm quyền và hướng tới hòa nhập. Do đó, cần đổi mới quan điểm tiếp cận đối với NKT, mở rộng chính sách hỗ trợ đến tất cả các nhóm NKT, dựa trên các nguyên tắc cơ bản về giáo dục, hỗ trợ, khuyến khích vươn lên; tăng cường công tác tuyên truyền về NKT. Hỗ trợ NKT tiếp cận giáo dục, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, BHYT, BHXH và các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo nghề phù hợp điều kiện, sức khoẻ và nhu cầu của lao động khuyết tật. Tiếp tục đồng bộ phát triển hệ thống ASXH chính thức và phi chính thức...
Còn theo bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội, các chính sách ASXH cho lao động khuyết tật cần hướng đến mục tiêu tăng cường hỗ trợ sinh kế phù hợp với đặc điểm, sức khỏe và nhu cầu của đối tượng. Trong thiết kế chính sách, cần phải đổi mới quan điểm tiếp cận đối với NKT, cụ thể là tiếp cận phải dựa trên quyền, phải coi NKT là công dân bình thường, bình đẳng như mọi công dân khác chứ không chỉ là đối tượng chăm sóc của xã hội, từ đó mới có các chính sách phù hợp hơn. Khi Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT, cần quy định cụ thể về cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các quy định về lộ trình cải tạo nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình công cộng… để NKT có thể tiếp cận sử dụng. Đối với vấn đề BHYT, thực hiện miễn phí cho toàn bộ NKT nói chung, không phân biệt khuyết tật nặng hay nhẹ (vì hiện nay chỉ có NKT nặng và đặc biệt nặng mới được cấp thẻ BHYT miễn phí). Tăng cường hỗ trợ NKT tiếp cận giáo dục, đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, sức khỏe và nhu cầu của lao động khuyết tật, cần xây dựng giáo trình dạy nghề riêng, có thiết bị riêng cho một số dạng khuyết tật. Hỗ trợ tạo việc làm cho lao động khuyết tật như bổ sung sửa Điều 35 Luật Người khuyết tật theo hướng nếu không sử dụng lao động khuyết tật cần đóng tối thiểu 1-3% quỹ lương của doanh nghiệp vào Quỹ hỗ trợ NKT. Quỹ này nên khuyến khích dùng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhận số NKT vượt quy định vào làm việc…
Theo thống kê của Bộ Lao động -TBXH, cả nước có khoảng bảy triệu NKT, nhưng mới có 1,3 triệu NKT được cấp giấy xác nhận khuyết tật (chiếm 18,7%); 2,63 triệu lao động khuyết tật, chiếm khoảng 5,3% tổng lực lượng lao động. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, có tới 91,7% số lao động khuyết tật không có bằng cấp, chứng chỉ...).

Nguyễn Minh Anh